Triết lý giáo dục, sứ mệnh, tầm nhìn phát triển và các giá trị cốt lõi của trường Đại học Ngoại Thương

4120

* TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

Giáo dục hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn; nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo.

* SỨ MỆNH, TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN VÀ CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI

+ Sứ mệnh   

Phụng sự xã hội bằng sự xuất sắc trong giáo dục, sáng tạo và chuyển giao tri thức.

+ Tầm nhìn phát triển

Trở thành đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á.

+ Các giá trị cốt lõi của trường Đại học Ngoại thương

Sáng tạo – Xuất sắc – Trách nhiệm – Bản lĩnh – Đa dạng – Hòa hợp

* MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC 

– Mục tiêu chung
Trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cung cấp các sản phẩm xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, có vị thế cao trong khu vực Châu Á.
– Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu 1: Có hệ thống quản trị đại học hiện đại trên nền tảng số hóa; nguồn nhân lực có năng lực và trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Mục tiêu 2: Có hệ thống ngành/lĩnh vực đào tạo đa dạng, dựa trên thế mạnh về kinh tế, kinh doanh, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài có khả năng cạnh tranh quốc tế; thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu khu vực Châu Á vào năm 2030.
Mục tiêu 3: Trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao tri thức về kinh tế và kinh doanh uy tín ở Việt Nam và khu vực châu Á; trở thành điển hình cả nước về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Mục tiêu 4: Có năng lực tài chính bền vững, cơ sở vật chất hiện đại, học liệu phong phú và cập nhật, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và chuyển đổi số.
Mục tiêu 5: Có môi trường học tập và làm việc hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính quốc tế hóa cao.

* LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
– Giai đoạn từ 2021 đến 2025: Phát huy tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học và chuyển đổi số, phát triển đội ngũ và nâng cao năng lực nghiên cứu, thành lập phân hiệu, doanh nghiệp và viện nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện thành lập các trường thành viên, phát triển ngành đào tạo mới, tăng cường cơ sở vật chất, củng cố nền tảng và phát triển vùng lõi của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; cải thiện các tiêu chí xếp hạng quốc tế.
– Giai đoạn từ 2026 đến 2030: Phát triển ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực mới, liên ngành; thành lập các trường thành viên; hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quản trị đại học; hoàn thành các dự án mở rộng khuôn viên; phát triển các hoạt động nghiên cứu mũi nhọn; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chuyển giao tri thức, trở thành điển hình của đại học đổi mới sáng tạo trong khối ngành kinh tế, kinh doanh tại Việt Nam; được xếp hạng trong nhóm 300 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030.
– Giai đoạn từ 2031 đến 2040: Khẳng định vị thế của một đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực; quản trị hiệu quả trên nền tảng số; có uy tín trên thế giới.

* CÁC ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC

+ Tái cấu trúc trường và chuyển đổi số
– Tái cấu trúc trường và vận hành theo mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo 3 cấp có các trường thành viên, phân hiệu, viện, doanh nghiệp trực thuộc.
– Hiện đại hóa hệ thống quản trị, phân cấp quản lý và phát huy tự chủ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành.
– Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và phát triển theo mô hình đại học số.
– Mở rộng và khai thác hiệu quả khuôn viên; xây dựng thư viện số, không gian học tập và làm việc theo triết lý đào tạo và tinh thần đổi mới sáng tạo.
– Đa dạng hóa và phát triển các nguồn thu, đảm bảo năng lực tài chính bền vững; hình thành các dự án hợp tác, liên kết lớn để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.
+ Thu hút và phát triển nhân tài, quốc tế hóa nhân sự
– Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ để thu hút và phát triển nhân tài.
– Phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực, triển khai các chức danh nghiên cứu mới.
– Quốc tế hóa đội ngũ nhân sự.
+ Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, tạo sự khác biệt
– Phát triển các ngành/chương trình đào tạo mới hướng tới sự xuất sắc thông qua khơi dậy năng lực cá nhân, hình thành hệ tư tưởng về đổi mới sáng tạo, tư duy mở, rèn luyện bản lĩnh và khả năng thích ứng, làm chủ hệ sinh thái của chính mình.
– Phát triển các chương trình vệ tinh và chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm tăng tính mở, linh hoạt cho các chương trình đào tạo, tạo thêm giá trị và tăng khả năng thích ứng nhanh của người học.
– Cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng, tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo; tham gia xếp hạng trường trong các bảng xếp hạng quốc tế.
– Đổi mới cơ chế, chính sách hoạt động khoa học công nghệ theo hướng tăng phân cấp, trao quyền tự chủ, đầu tư trọng điểm phát triển hướng nghiên cứu mũi nhọn.
– Phát triển hệ sinh thái mở trong đó khẳng định vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, môi trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có tính quốc tế hóa cao theo hướng cá nhân hóa và tự chủ.
– Phát triển thương hiệu và văn hoá Đại học Ngoại thương định hướng theo các giá trị cốt lõi của trường.