Hội thảo Khoa học “Phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may trong bối cảnh mới”

288

Trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ (Bộ GD&ĐT) mã số B2022-NTH-04, ngày 16/06/2023 Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã tổ chức buổi Hội thảo Khoa học  “Phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may trong bối cảnh mới” tại A1001 – Trường Đại học Ngoại thương.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả TS Lê Huy Khôi, Trưởng phòng QLKH&ĐT, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, bà Bùi Thị Thu Vân đại diện Công ty TNHH TAV (TAL VN), ThS Hoàng Hương Giang, Giảng viên trường Đại học Thủ đô, TS Hoàng Thị Đoan Trang, Giảng viên trường Đại học Ngoại thương. Ngoài ra, Hội thảo cũng chào đón sự tham dự của TS Trương Thị Mỹ Thanh – Trưởng BM Quy hoạch và Giao thông đô thị, Trường ĐH Công nghệ GTVT.

Về phía trường Đại học Ngoại thương có sự tham gia của: Chủ tọa – TS Nguyễn Thị Bình – Trưởng Ban QLKH&HTPT, Viện KT&KDQT, Trường Đại học Ngoại thương, chủ nhiệm đề tài; TS Bùi Duy Linh – Phó Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ đối ngoại, ThS Nguyễn Hữu Thật – Chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học, TS Vũ Thị Minh Ngọc – Chánh VP Viện KT&KDQT; TS Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý; TS Nguyễn Thị Yến – Giảng viên Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cùng nhiều giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đến từ các Khoa/Viện chuyên môn trong trường.

Ngay sau phần phát biểu khai mạc của TS Nguyễn Thị Bình, Hội thảo đã được lắng nghe bài tham luận của chủ nhiệm đề tài trình bày về vai trò của năng lực động đối với xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi phù hợp với bối cảnh mới. Tiếp theo, TS Hoàng Thị Đoan Trang – Giảng viên trường Đại học Ngoại thương đã có bài tham luận chi tiết về Thực trạng chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bằng các số liệu thống kê chi tiết, bài tham luận đã chỉ ra thực trạng vị trí của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế, và một số tác động của đại dịch Covid-19 tới kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam những năm gần đây. Từ đó các kiến nghị đối với Nhà nước và doanh nghiệp đã được đưa ra để giúp chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam vượt qua khó khăn để cạnh tranh với các nhà xuất khẩu lớn trên thế giới.

TS Hoàng Thị Đoan Trang – Giảng viên trường Đại học Ngoại thương trình bày tham luận “Thực trạng chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”

Tiếp nối chương trình, Bà Bùi Thị Thu Vân, Công ty TNHH TAV (TAL VN) đã trình bày nội dung bài tham luận về Chuỗi cung ứng bền vững nhanh dệt may và case thực tế từ TAL Apparel. Hội thảo đã được lắng nghe chia sẻ rất thực tiễn về cách doanh nghiệp đang triển khai xây dựng chuỗi cung ứng bền vững thông qua các giải pháp mà doanh nghiệp TAL Apparel đang tiến hành liên quan đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường và đảm bảo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Bà Bùi Thị Thu Vân, Công ty TNHH TAV (TAL VN) trình bày tham luận “Chuỗi cung ứng bền vững nhanh dệt may và case thực tế từ TAL Apparel”

Tại Hội thảo, ThS Hoàng Hương Giang – Giảng viên Trường Đại học Thủ đô đã trình bày bài tham luận về Logistics xanh trong ngành dệt may tại Việt Nam. Bài tham luận đã nêu lên thực trạng triển khai các hoạt động logistics xanh ở các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát của tác giả, các doanh nghiệp tại Việt Nam phần lớn nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của logistics xanh, nhưng chỉ có khoảng 75% số doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao thực hiện logistics xanh do những vấn đề khó khăn còn tồn tại về nhận thức và chi phí tài chính.

Ở bài tham luận cuối cùng, TS Lê Huy Khôi, Trưởng phòng QLKH&ĐT, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương đã trình bày về Giải pháp tăng cường khả năng linh hoạt trong chuỗi cung ứng nhanh dệt may Việt Nam. Bài tham luận một lẫn nữa khái quát lại thực trạng và các thách thức mà ngành dệt may đang đối mặt, từ việc thiếu nguyên liệu đầu vào, các yếu tố sản xuất còn yếu (công nghệ dệt nhuộm còn kém; đầu tư còn hạn chế; các hệ thống marketing, xúc tiến thương mại chưa nhận được sự quan tâm phù hợp). Nhận diện được các vấn đề này, tác giả đã đề xuất cụ thể các nhóm giải pháp nhằm tăng cường tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng dệt may có khả năng chống chịu tốt nhất trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên bất định, khó lường.

TS Lê Huy Khôi, Trưởng phòng QLKH&ĐT, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương trình bày tham luận “Giải pháp tăng cường khả năng linh hoạt trong chuỗi cung ứng nhanh dệt may Việt Nam”

Bên cạnh các bài tham luận, Hội thảo cũng đã nhận nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi tại Hội thảo. TS. Trương Thị Mỹ Thanh đã chia sẻ về các nhận định liên quan đến xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng dệt may từ sản xuất (gia công, lắp ghép) sang chuỗi cung ứng thời trang. Đặc biệt TS Thanh cũng chia sẻ và đặt câu hỏi về việc làm thế nào có được nguồn nhân lực tốt để thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá của doanh nghiệp TAL, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19. TS. Đỗ Ngọc Kiên cũng đã dành thời gian chia sẻ về nhận định bối cảnh mới. Bối cảnh mới không chỉ bó hẹp trong sự kiện (mang tính chất phi truyền thống) như dịch Covid-19, mà nó còn xác định bởi nhiều sự kiện khác như thay đổi trong các định chế của WTO dẫn đến tái cấu trúc lại hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu, hay các xung đột địa chính trị (chiến tranh Nga-Ucraine), xu hướng khu vực hóa,….Ngành dệt may cần xác định phạm trù của bối cảnh mới,  từ đó tái định hình vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hội thảo khép lại với phần đặt câu hỏi, thảo luận sôi nổi giữa các diễn giả và người tham dự. Kết thúc Hội thảo, TS Nguyễn Thị Bình gửi lời cảm ơn đến các vị diễn giả và các thầy cô đã tham gia và góp phần tạo nên thành công của buổi Hội thảo.