HỘI THẢO CẤP TRƯỜNG “TÁI CẤU TRÚC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀ CHUỖI GIÁ TRỊ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH BÌNH THƯỜNG MỚI”

628

Ngày 07/06/2022, Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công Hội thảo “Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới”. Đây là hội thảo cấp trường được tổ chức thường niên nhằm tạo không gian kết nối sự tham gia và chia sẻ của các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các giảng viên và sinh viên về tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú trong chủ đề tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới – chủ đề cấp thiết hiện nay. Hội thảo được diễn ra trực tiếp tại hội trường A901, trường Đại học Ngoại thương và trực tuyến qua phần mềm Zoom.

Buổi hội thảo diễn ra với sự góp mặt của rất nhiều khách mời đến từ cơ quan quản lý nhà nước như Uỷ ban kinh tế của Quốc hội khoá XV, Hội đồng Lý luận trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng; đại diện từ các Hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố HN, Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA); đại diện từ các Viện nghiên cứu; lãnh đạo của nhiều trường đại học và doanh nghiệp cùng các giảng viên, sinh viên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, đã nêu bật mục đích và ý nghĩa quan trọng của hội thảo trong thời điểm hiện nay – thời điểm “bình thường mới”, khi các doanh nghiệp cần chuyển mình mạnh mẽ để phát triển sau đại dịch Covid-19.

Hội thảo có sự trình bày tham luận của 4 vị diễn giả là đại diện các cơ quan đầu ngành, lãnh đạo của các trường đại học và doanh nghiệp lớn:

  • PGS. TSKH Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ những kiến thức về “Chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số”. Ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng, cấp thiết của việc chuyển đổi số doanh nghiệp. Thị trường sau đại dịch Covid-19 đã thay đổi rất lớn. Ranh giới giữa các ngành bị xoá nhoà, khách hàng là người quyết định ra sản phẩm và doanh nghiệp cạnh tranh bằng cơ hội, tốc độ và giá trị.

    Vì vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải tái cấu trúc, xây dựng các mô hình về hệ sinh thái, lan toả thành cộng đồng, thay đổi hình thái để thích ứng với thời đại số, tư duy để thay đổi mô hình kinh doanh và chiến lược sản phẩm.Doanh nghiệp cần hoàn thiện mô hình kinh doanh thực tế, dựa trên nền tảng số để phát triển một hệ sinh thái kinh doanh.

  • Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam & Chủ tịch HĐQT Gama Group tham luận “Tái cấu trúc hệ sinh thái ngành công nghiệp thang máy và cơ hội cho doanh nghiệp SME Việt Nam”. Ông Đức đã chỉ ra rằng ngành thang máy là ngành có công nghiệp đặc thù. Mỗi năm có 250.000 thang máy được đưa vào hoạt động và 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và đang đang gặp rất nhiều thách thức bởi lao động chưa có đào tạo về chuyên môn và kỹ năng nghề; cộng đồng rời rạc và hạn chế về vốn nên việc thay đổi lại thị trường và tái cấu trúc là điều cấp thiết.
  • Ông Hoàng Phi Long – Đại diện Công ty iCheck trình bày tham luận “Phát triển kinh doanh trên nền tảng công nghệ thông minh” và khẳng định truy xuất nguồn gốc mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động. Tuy nhiên việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá cần có sự tham gia của tất cả các bên.
  • Bà Phạm Thu Hằng – Giám đốc Công ty truyền thông 5S Media, thông qua bài tham luận “Sáng tạo kinh doanh: Giải pháp ứng phó thành công với đại dịch Covid-19 của SMEs Việt Nam” đã chia sẻ câu chuyện thực tiễn mà 5S Media đã áp dụng để

thích nghi vượt qua hoàn cảnh trong giai đoạn Covid-19 như: Thay đổi chính sách nhân sự (Work from home đảm bảo hiệu suất, điều chỉnh cơ cấu nhân sự, tối ưu lương, cắt giảm các chi phí hoạt động khác ngoài lương, thường xuyên làm công tác tư tưởng cho cán bộ công nhân viên, chăm sóc sức khỏe của người lao động); Hầu như 100% các hoạt động của 5S được thực hiện trên nền tảng số. 100% dữ liệu được lưu trữ trên đám mây. Kế toán 100% online (Misa). Họp online 100% thời kỳ covid và 70% online hậu covid; Tái định vị để phát triển bền vững.

Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp quí báu của các nhà quản lý đầu ngành, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

Ông Nguyễn Hoàng Long – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng đã chọn những giải pháp hạ tầng kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu, giúp doanh nghiệp tiếp cận nền tảng kỹ thuật số mới tốt hơn. Hải Phòng đang xây dựng khu thương mại tự do theo quan điểm mới – không có ranh giới, là 1 thành phố 4.0, giúp thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp thấy được kế hoạch của chính quyền”.

Ông Dương Quang Khánh – Tổng thư ký Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đánh giá “Hội thảo đã làm rõ vai trò của hoạt động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Việc chuyển mình, tái cơ cấu chuỗi cung ứng không chỉ quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp mà còn quan trọng với nền kinh tế quốc gia.

Theo Ông Đào Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng muốn chuyển đổi số phải có nền tảng dữ liệu cho từng ngành. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi trong thời kỳ kinh tế số cần tái cấu trúc sản xuất kinh doanh trên cơ sở có hệ thống dữ liệu riêng của công ty và cơ sở dữ liệu chung của quốc gia, tái cấu trúc nguồn nhân lực, tái cấu trúc quản trị và đổi mới công nghệ, tái cấu trúc về tài chính.

Ông Nguyễn Văn Thạo – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương nêu ý kiến “Doanh nghiệp phải đổi mới chuỗi cung ứng để giữ được những khâu có giá trị gia tăng cao. Việc tái cơ cấu cần mang tính chiến lược theo hướng doanh nghiệp chuyển sang những ngành sản xuất có khả năng tạo ra tính độc lập tự chủ của nền kinh tế bền vững.”

Ông Trịnh Tuấn Anh – Giám đốc quản trị Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông nhận định: Khi đối diện với tình huống mới, công ty đã có thay đổi để thích nghi với môi trường mới như thay đổi về chiến lược tầm nhìn, chính sách đối với khách hàng, với nhà cung cấp. Hội thảo hôm nay là 1 cơ chế để các bên hợp tác, tham gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn mới.”

Việc tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến không tránh khỏi khó khăn, tuy nhiên Ban Tổ chức đã luôn xử lý kịp thời, hội thảo diễn ra thuận lợi và thành công trên cả hai nền tảng.