Vào ngày 6 tháng 07 năm 2023 vừa qua, Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Viện KT&KDQT đã phối hợp với Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức thành công Tọa đàm online “XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG MÔN HỌC THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BẬC ĐẠI HỌC CỦA BỘ MÔN LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG THEO ĐỊNH HƯỚNG CĂN BẢN – MỞ – LINH HOẠT”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của 3 diễn giả và khách mời: TS Đinh Lê Hải Hà, Phó viện trưởng Viện Thương mại & Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân; ThS Tô Thị Hằng Viện nghiên cứu & phát triển Logistics Việt Nam; ThS Lê Minh Trâm – Giảng viên Bộ môn Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Ngoại thương. Ngoài ra, Tọa đàm cũng có sự tham dự của các thành viên VALOMA, các Thầy Cô thuộc Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế và một số thầy cô của các trường Đại học khác. Tọa đàm đã giới thiệu tầm quan trọng của việc xây dựng đề cương học phần trong triển khai các chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo.
Mở đầu tọa đàm là phát biểu của PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế. Trong bài phát biểu, PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng các đề cương học phần đảm bảo chuẩn đầu ra của học phần, từ đó góp phần đóng góp chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương cũng mong muốn được nhận sự chia sẻ của các thành viên VALOMA từ các trường đại học, các doanh nghiệp và các thầy cô của Viện.
Buổi đầu tọa đàm, TS Đinh Lê Hải Hà Phó viện trưởng Viện Thương mại & Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân trình bày tham luận “Xây dựng đề cương và đề thi học phần trong chương trình đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng”. Theo chia sẻ của TS Đinh Lê Hải Hà, việc xây dựng đề cương học phần gồm 6 bước: Căn cứ mục tiêu của chương trình đào tạo; Cụ thể hóa chuẩn đầu ra của học phần; Xây dựng đề cương chi tiết; Giản lược đề cương chi tiết thành đề cương tổng quát; Thẩm định đề cương học phần; Ban hành, công bố và sử dụng. Chuẩn đầu ra của học phần được xây dựng dựa trên thang đo Bloom và MIT.
Tại tọa đàm cũng có chia sẻ của ThS Tô Thị Hằng ở Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam với chủ đề “Xây dựng đề cương môn học theo chuẩn FIATA”. Chuẩn đầu ra của các môn học theo chuẩn FIATA cũng được xây dựng theo 6 cấp độ và sử dụng các động từ để đo lường chuẩn đầu ra của học phần.
Bài tham luận cuối cùng của ThS NCS Lê Minh Trâm, giảng viên Bộ môn Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Ngoại thương với bài tham luận “Quy định về kiểm tra đánh giá kết quả học tập trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện đề cương học phần theo định hướng căn bản – mở – linh hoạt”. Đánh giá kết quả học phần được thiết kế đảm bảo chuẩn đầu ra của học phần, bên cạnh đó việc xây dựng cấu trúc đề thi đảm bảo tính linh hoạt, căn bản và mở.
Sau 3 tham luận là phần đặt câu hỏi, chia sẻ giữa diễn giả và những người tham dự tọa đàm. Các nội dung trao đổi bao gồm:
- Đề cương chi tiết học phần nên xây dựng chi tiết đến từng bài giảng hay nên chi tiết theo định hướng căn bản – mở – linh hoạt? Các diễn giả và phần lớn các thành viên tham dự buổi tọa đàm đều đồng ý rằng đề cương chi tiết học phần cũng như các phương pháp hình thức đánh giá kết quả học phần nếu được xây dựng theo định hướng căn bản – mở – linh hoạt thì mới phát huy được hết tính sáng tạo của người dạy cũng như người học.
- Đề cương chi tiết học phần có thể được xây dựng theo mô hình Lecture – Seminar. Trong đó 50% thời lượng học phần là thời lượng học lý thuyết (lecture) được 1 giảng viên giảng dạy trên giảng đường cho 150-200 sinh viên. 50% thời lượng còn lại là thời lượng thực hành, trong đó sinh viên được chia thành các nhóm nhỏ từ 30-40 sinh viên, mỗi nhóm nhỏ được phụ trách bởi một giảng viên hoặc trợ giảng. Giảng viên hoặc trợ giảng seminar sẽ tổ chức thảo luận, hướng dẫn sinh viên làm bài tập, giải đáp các thắc mắc, tổ chức làm việc nhóm theo các chủ đề liên quan đến học phần đã được học trong các buổi lecture. Các diễn giả và các thành viên tham dự tọa đàm đều đánh giá đây là một mô hình hiện đại, mở và linh hoạt nếu được áp dụng thì sẽ phát huy được yếu tố lấy người học là trung tâm, tăng thời lượng thực hành, chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình còn gặp nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực cơ sở vật chất, nguồn lực giảng viên cũng như các yếu tố liên quan đến vấn đề tổ chức lớp học. Theo chia sẻ của TS. Đinh Lê Hải Hà thì mô hình Lecture – Seminar đã được triển khai thí điểm ở một số môn học của trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Buổi toạ đàm “XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG MÔN HỌC THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BẬC ĐẠI HỌC CỦA BỘ MÔN LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG THEO ĐỊNH HƯỚNG CĂN BẢN – MỞ – LINH HOẠT” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các thành viên VALOMA, giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương và các giảng viên đến từ các trường đại học khác đã được lắng nghe những chia sẻ vô cùng có giá trị của các diễn giả và khách mời.