Tọa đàm khoa học chuyên môn “Xu hướng chuyển dịch quyền lực trên thế giới hiện nay và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”

568

Nằm trong chuỗi hoạt động chuyên môn định kỳ của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, sáng ngày 30/11/2022 tại Phòng Hội thảo quốc tế A901, Bộ môn Kinh tế và Quản lý đã tổ chức tọa đàm khoa học chuyên môn “Xu hướng chuyển dịch quyền lực trên thế giới hiện nay và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” do TS. Lê Thị Thu Mai (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và TS. Đàm Sơn Toại (Đại học Kinh tế quốc dân) trình bày với sự chủ tọa của PGS. TS. Trần Thị Ngọc Quyên, giảng viên Bộ môn Kinh tế và Quản lý. Tham dự tọa đàm bên cạnh các thầy cô của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế như PGS. TS. Bùi Thị Lý – Viện trưởng, TS. Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn, TS. Hoàng Hương Giang, TS. Trần Thanh Phương, ThS. Đinh Hoàng Minh, TS. Cao Thị Hồng Vinh, TS. Phạm Thị Cẩm Anh, TS. Hoàng Thị Bến,…còn có nhiều giảng viên các đơn vị khác trong trường Đại học Ngoại thương như PGS. TS. Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Vũ Hoàng Nam – Trường phòng Quản lý khoa học, TS. Nguyễn Phúc Hiền – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và ĐBCL, TS. Thân Thị Hạnh – Trưởng Khoa Lý luận Chính trị, TS. Vũ Thị Quế Anh – Phó Trưởng khoa Lý luận Chính trị, PGS, TS. Nguyễn Thị Thùy Vinh – Trưởng Ban Xây dựng và Phát triển Chương trình đào tạo, TS. Dương Đức Đại, TS. Nguyễn Lê Quỳnh Hoa, TS. Trần Thu Minh, TS. Nguyễn Thị Nhật Thu… Tọa đàm cũng thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà khoa học ngoài Trường: TS. Phùng Đức Tùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI); TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, TS. Lê Phan – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), TS. Đỗ Tiến Long – Chủ tịch Công ty tư vấn Quản lý OD Click… cùng đông đảo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

            Tọa đàm khoa học của Bộ môn Kinh tế và Quản lý đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo trường Đại học Ngoại thương. Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS. TS. Phạm Thu Hương đã đến dự và có bài phát biểu khai mạc Tọa đàm. Trong bài phát biểu của mình PGS. TS. Phạm Thu Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi tọa đàm trong việc cung cấp các tri thức liên ngành trong nghiên cứu kinh tế và quản lý, tạo lập một không gian thảo luận cởi mở cho các vấn đề quản lý công trên bình diện quốc gia và quốc tế, đồng thời kết nối tới các định hướng phát triển của Nhà trường, trong đó có việc mở chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế chính trị quốc tế trong năm học 2023 – 2024 tới đây. Phát biểu đề dẫn tại buổi Tọa đàm, Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, PGS. TS. Bùi Thị Lý đã có bài tóm lược xúc tích xu hướng chuyển dịch quyền lực của các “siêu cường” trong suốt tiến trình lịch sử mấy trăm năm qua và đặt ra những vấn đề cấp thiết mà các nhà khoa học cần phải trả lời trong việc nắm bắt xu hướng chuyển dịch quyền lực trên thế giới hiện nay.

Tại phần trình bày chính, TS. Lê Thị Thu Mai đã giới thiệu các hình thái của quyền lực: quyền lực cứng, quyền lực mềm, quyền lực thông minh và quyền lực sắc bén; đồng thời chỉ ra bốn xu hướng chuyển dịch quyền lực chính: từ Đông sang Tây; từ Bắc xuống Nam; từ quyền lực nhà nước sang quyền lực của chủ thể phi nhà nước, cùng với xu hướng phân tán quyền lực trong nhà nước. Các nhân tố quyết định sự chuyển dịch quyền lực này có thể kể đến xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới định hình nên xu hướng chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và vạn vật kết nối. Biểu hiện rõ ràng nhất của xu hướng chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông là việc Châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành một khu vực liên kết đa tầng nấc, là trung tâm quyền lực kinh tế – chính trị toàn cầu, là địa bàn cạnh tranh chiến lược nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Xu hướng chuyển dịch quyền lực từ Bắc xuống Nam có thể nhìn thấy từ vai trò ngày càng tăng của khối G20 và khu vực ASEAN. Cuối cùng, TS. Mai trình bày các biến đổi trong các phương thức thực thi và phương pháp kiểm soát quyền lực. Kết nối với bài trình bày của TS. Lê Thị Thu Mai, TS. Đàm Sơn Toại trao đổi về sự cần thiết phải có những thay đổi đột phá đối với Việt Nam, trong đó có việc phát triển tự thân trong nhận thức phát triển cũng như trong đường lối chính sách của Đảng cẩm quyền, chẳng hạn như vấn đề “đảng viên làm kinh tế”, Đảng đã dùng thực tiễn trả lời các vấn đề lý luận và giải phóng nguồn lực to lớn cho phát triển. Thảo luận về quyền lực từ tiếp cận dân chủ cơ sở, TS. Toại nhắc lại vấn đề mất dân chủ trong trường hợp tỉnh Thái Bình năm 1997 và gắn kết vấn đề thể chế dân chủ với văn hóa, đồng thời chia sẻ chung nhận định của TS. Mai rằng văn hóa để lấp đầy các lỗ hổng thể chế.

Các nhà khoa học đã trao đổi và bình luận sôi nổi về nhiều nội dung liên quan tới xu hướng chuyển dịch quyền lực hiện nay, bao gồm quan điểm phát triển của Trung Quốc với điểm nhấn là Đại hội XX hướng tới mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, các vấn đề về quyền lực tương lai của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có thể hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị quốc gia của mình để thực hiện “cùng giàu có” như trong thảo luận của TS. Trần Thu Minh, hay Trung Quốc đang mất dần các động lực phát triển mà nước này có được trong giai đoạn khuyến khích đổi mới sáng tạo và hội nhập rực rõ trước đây mà thay thế bằng các biện pháp kiểm soát doanh nghiệp tư nhân, kiểm soát các các đế chế công nghệ, quy mô dân số giảm, đầu tư thiếu hiệu quả, công nghệ hàng đầu bị cấm cản như tiếp cận của TS. Phùng Đức Tùng và TS. Lê Phan. TS. Nguyễn Quốc Việt đặt vấn đề liệu Trung Quốc đang trên lộ trình trở thành một siêu cường hay đang ở trong bẫy địa chính trị? Trên cơ sở đó, các nhà khoa học nhìn nhận bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức trong quá trình phát triển trong bối cảnh chuyển dịch quyền lực trên thế giới. Phát biểu khép lại phần thảo luận, PGS. TS. Bùi Thị Lý kết luận rằng để có được quyền lực dù ở hình thái nào chăng nữa thì Việt Nam cũng cần phải giải quyết được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ. Đây là những vấn đề then chốt cho con đường phát triển của Việt Nam. Trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, trí tuệ và cởi mở, buổi Tọa đàm chuyên môn mùa thu của Bộ môn Kinh tế và Quản lý năm 2022 đã thành công tốt đẹp.