Ngày 30/11/2021, Bộ Môn Kinh doanh quốc tế thuộc Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tổ chức buổi tọa đàm về “Tạo thuận lợi thương mại qua biên giới tại Việt Nam – Góc nhìn từ môi trường pháp lý và doanh nghiệp. Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các thầy cô giáo, học viên và sinh viên của Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế.
Buổi tọa đàm nhằm đưa đến cho các thầy cô, các nhà nghiên cứu, sinh viên, góc nhìn và các ý kiến của các chuyên gia về môi trường pháp lý và thực tiễn về tạo thuận lợi thương mại qua biên giới tại Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia, các thầy cô giáo, các học viên và sinh viên trao đổi những kiến thức, những kết quả đã đạt được, cũng như bản luận về những nút thắt, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm tăng cường thuận lợi hóa qua biên giới, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã đánh giá cao cố gắng của Bộ môn Kinh doanh quốc tế trong việc tổ chức Tọa đàm. Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương đã đánh giá vị trí, tầm quan trọng của việc tạo thuận lợi thương mại qua biên giới tại Việt Nam cũng như vấn đề này trong thời gian qua tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc tạo thuận lợi thương mại qua biên giới tại Việt Nam qua các hình thức đều được các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp rất quan tâm để giảm tối đa thời gian thông quan của hàng hóa.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá về thủ tục thông quan từ kết quả điều tra doanh nghiệp của VCCI năm 2020, ông Hoàng Huy Hoàng – Trưởng phòng Quản lý vận hành Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Tổng cục Hải quan chia sẻ về cơ chế mở cửa quốc gia trong tạo thuận lợi thương mại, PGS.TS Phan Thị Hiền – Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ về chủ đề “Thời gian giải phóng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu tại Việt Nam”…
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã đặt các câu hỏi lý thú cho diễn giả và đóng góp ý kiến nhằm cung cấp các góc nhìn đa chiều về thực thi thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam. Theo PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương: “Những vướng mắc về phân loại mã hóa hàng hóa và trị giá hải quan là vấn đề khó giải quyết nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan, đồng thời dữ liệu hải quan về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cần được tiêu chuẩn hóa, minh bạch hóa và toàn diện hơn nữa nhằm tạo căn cứ pháp lý nhận diện thực tiễn và từ đó kiến nghị các chính sách cải thiện”. Bằng dẫn chứng từ kinh nghiệm thực tiễn, TS. Vũ Thị Hạnh cho rằng: “Mức độ đánh giá của doanh nghiệp đối với kiểm tra thực tế hàng hóa và đánh giá hồ sơ còn tồn đọng nhiều khó khăn. Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng chưa thực sự có được nhận thức đầy đủ về vai trò của việc nghiên cứu kỹ các văn bản pháp lý và kỹ năng quản trị rủi ro trong hoạt động khai báo hải quan để từ đó tận dụng tốt cơ hội trong việc thực thi cơ chế môt cửa quốc gia.”. ThS. Nguyễn Cương cũng đặt câu hỏi và đưa ra các kiến nghị đối với cơ quan hải quan trong việc thống nhất các phương án áp mã hàng hóa nhằm tạo thuận lợi hơn trong thực tiễn thực thi tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Diễn giả và khách mời chụp hình cùng người tham dự Tọa đàm, giảng viên, sinh viên trường Đại học Ngoại thương.