Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học với chủ đề ‘Nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh mới’ (ngày thứ 5, 09h00-12h00, 10/01/2019, tại Phòng Hội thảo Quốc tế Liên Việt, ĐH Ngoại thương)
Nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào những bối cảnh mới và đối mặt với nhiều khó khăn sau 40 năm cải cách mở cửa nền kinh tế từ năm 1978. Sau nhiều năm tăng trưởng nóng về kinh tế, từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đang bước vào thời kỳ phát triển ‘bình thường mới’. Năm 2018 – 2019 được đánh giá là năm thách thức nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỉ qua, và cũng là thời điểm Trung Quốc cần phải cải cách mạnh mẽ nền kinh tế. Năm 2019, Trung Quốc được dự báo sẽ đối mặt với những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua. Trung Quốc vừa là nước láng giềng, vừa là đối tác của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nên hai quốc gia có những lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội đan xen lẫn nhau. Do đó, việc nghiên cứu xu hướng và quá trình phát triển của Trung Quốc có ý nghĩa thiết thực và quan trọng đối với Việt Nam. Trước yêu cầu thực tế đó, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học ‘Nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh mới’ để nắm bắt và thảo luận về một số chiến lược, chính sách mà Trung Quốc đã, đang và sẽ thực hiện nhằm vượt qua thử thách và tiếp tục hoàn thành ‘giấc mộng Trung Hoa’.
Đến tham dự tọa đàm có sự tham dự của GS.TS Đỗ Tiến Sâm (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc), Ông Phạm Trung Nghĩa (Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp, Vụ Đông Bắc Á – Bộ Ngoại giao), TS Doãn Công Khánh (Bộ Công thương), PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (trường Đại học Kinh tế Quốc dân), TS. Đỗ Tất Cường (Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ngoài ra còn có sự tham dự của các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục An Ninh Kinh tế, Viện Khoa học và Phát triển Nhân lực và Tài năng, và một số doanh nghiệp ở Việt Nam, cùng với giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên trường Đại học Ngoại thương.
Đến tham dự buổi tọa đàm, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương và PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương đã khẳng định sự cần thiết và định hướng phát triển nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và kinh tế địa chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Đỗ Tiến Sâm cho rằng nghiên cứu về Trung Quốc luôn luôn là một chủ đề cần thiết đối với Việt Nam, và đưa ra một số định hướng nghiên cứu quan trọng liên quan đến Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Thông qua các bài tham luận, TS. Phạm Thị Huyền Trang đã nhận định rằng mục tiêu nâng cấp toàn bộ nền sản xuất công nghiệp Trung Quốc có thể khó đạt được trong thời gian ngắn nhưng Chiến lược ‘Made in China 2025’ có thể thành công trong việc tạo ra một số công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên cũng cho rằng Trung Quốc là một quốc gia luôn chủ động điều chỉnh chính sách phù hợp với bổi cảnh mới và điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong nền kinh tế số là một minh chứng cụ thể. Đối với khu thương mại tự do Hải Nam, TS. Nguyễn Thu Hằng nhận định rằng khu thương mại tự do Hải Nam của Trung Quốc sẽ là một trong những mô hình phát triển kiểu mẫu với những cải cách sâu rộng và là một dấu mốc quan trọng trong kỉ nguyên mới của cải cách và mở cửa nền kinh tế Trung Quốc; đồng thời, nếu Trung Quốc thực hiện thành công khu thương mại tự do Hải Nam như kế hoach và chiến lược đặt ra thì Việt Nam sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp và thảo luận từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia ở Việt Nam xoay quanh chủ đề của tọa đàm và các chủ đề nghiên cứu khác về Trung Quốc.
Tọa đàm kết thúc vào lúc 12h cùng ngày./.