BUỔI CHIA SẺ CHUYÊN GIA “WINNING IN MARKETING SERVICE PROCUREMENT” TRONG HỌC PHẦN QUẢN LÝ THU MUA TOÀN CẦU CỦA SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG KHÓA 61

50

Ngày 26/09/2024, chị Trần Thị Thu Huyền, Vietnam Marketing Procurement Lead & SEAA Asset Creation tại Unilever, đã có buổi chia sẻ đầy cảm hứng với các sinh viên lớp K61, chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của trường Đại học Ngoại thương, về chủ đề “Winning in Marketing Service Procurement” trong khuôn khổ học phần Quản lý Thu mua Toàn cầu – Global Procurement Management cùng sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Bình – Giảng viên trực tiếp giảng dạy học phần. Buổi nói chuyện mang đến nhiều góc nhìn chiến lược trong việc tối ưu hóa quy trình mua hàng trong lĩnh vực dịch vụ marketing, giúp doanh nghiệp vừa đạt được hiệu quả cao vừa tối ưu chi phí.

Bắt đầu với việc giới thiệu về Unilever – tập đoàn sở hữu hơn 400 nhãn hàng toàn cầu, chị Huyền đã chia sẻ về cấu trúc doanh nghiệp và vai trò quan trọng của bộ phận mua hàng trong việc vận hành doanh nghiệp. Về cấu trúc doanh nghiệp, Unilever là một tập đoàn đa quốc gia với cấu trúc được thiết kế để tối ưu hóa hoạt động và phát triển kinh doanh. Doanh nghiệp được chia thành năm nhóm ngành chính: Beauty & Wellbeing (Sắc đẹp & Sức khỏe), Personal Care (Chăm sóc cá nhân), Home Care (Chăm sóc nhà cửa), Nutrition (Dinh dưỡng)Ice Cream (Kem lạnh). Các nhóm ngành này hoạt động dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Điều hành (Corporate Centre) và các bộ phận Hoạt động Kinh doanh (Business Operations), đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa chiến lược và thực tiễn vận hành.

Việc phân chia này giúp Unilever dễ dàng giám sát hiệu suất của từng lĩnh vực, đồng thời cho phép tập trung phát triển các chiến lược phù hợp với đặc thù của từng ngành hàng. Cấu trúc này còn thúc đẩy sự hợp tác giữa các phòng ban, từ đó cải thiện quy trình quản lý chuỗi cung ứng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Tại Unilever, quy trình mua hàng được tổ chức theo hai hướng: Direct procurement – đảm nhiệm các chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất, bao gồm logistics và nguyên liệu;  Indirect procurement – tập trung vào các chi phí gián tiếp như marketing và khuyến mãi.

Điều đáng chú ý là cách Unilever phân chia hoạt động marketing thành các nhóm chức năng cụ thể: Creativity (lên ý tưởng), Digital (triển khai ý tưởng trên các kênh số), Production (sản xuất nội dung quảng cáo), và Media (quảng cáo trên các nền tảng như TV, YouTube, Google). Những bộ phận này làm việc chặt chẽ để đảm bảo tính sáng tạo và hiệu quả trong từng chiến dịch.

Chuyển mình để phát triển: Mô hình mua hàng của Unilever

Chị Huyền đã kể lại hành trình phát triển của Unilever qua từng giai đoạn với các mô hình mua hàng khác nhau. Từ mô hình decentralized – cho phép từng quốc gia tự quản lý mua hàng, Unilever đã dần chuyển sang centralized, tập trung hóa các quyết định mua sắm ở cấp độ toàn cầu để tận dụng lợi thế về quy mô và tăng cường khả năng thương lượng. Kế tiếp, Unilever áp dụng mô hình global but distributed, kết hợp những ưu điểm của mô hình decentralized và centralized. Hiện tại, Unilever đang áp dụng mô hình Procurement expertise, kết hợp giữa quản lý tập trung và khả năng phân tích dữ liệu từ nhiều thị trường, giúp đưa ra các quyết định chiến lược chính xác và phù hợp với từng khu vực. Cấu trúc này không chỉ gia tăng hiệu quả mà còn linh hoạt để thích ứng với những biến động của thị trường.

Cũng theo chị Huyền, một trong những điểm nhấn của buổi chia sẻ là cách Unilever ứng dụng phương pháp data-driven vào quy trình mua hàng. Dựa trên dữ liệu thực tế, Unilever không chỉ phát hiện ra các cơ hội tối ưu mà còn có thể đưa ra những quyết định mua hàng chiến lược và hiệu quả hơn. Đồng thời, stakeholder engagement – quá trình hợp tác và tiếp cận các bên liên quan, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự đồng thuận từ mọi phía.

Bằng việc trình bày các case study thực tế từ Unilever, chị Huyền đã minh họa rõ nét cách các chiến lược mua hàng dựa trên dữ liệu và sự phối hợp liên tục giữa các phòng ban đã giúp công ty không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo phát triển bền vững. Những bài học này là minh chứng cho việc một quy trình mua hàng thông minh có thể trở thành vũ khí cạnh tranh mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển trong thị trường toàn cầu đầy biến động.

Buổi chia sẻ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, trang bị cho sinh viên Ngoại thương những kiến thức thực tiễn quý giá về lĩnh vực mua hàng trong dịch vụ marketing. Với cách dẫn dắt gần gũi và nội dung súc tích, chị Trần Thị Thu Huyền đã mang đến không chỉ là bài học về lý thuyết, mà còn là cảm hứng và góc nhìn mới cho các bạn sinh viên chuẩn bị bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp​