Giới thiệu chung về Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế

3485
  1. Tên đơn vị: Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (School of Economics and International Business)
  2. Lịch sử hình thành và phát triển

Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (tiền thân là Khoa Kinh tế Ngoại thương) được thành lập từ năm 1960 cùng với sự thành lập của trường Đại học Ngoại Thương. Viện là đơn vị chuyên môn có truyền thống lâu đời nhất của nhà trường. Trong những năm qua, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế luôn là lực lượng chủ lực trong công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Nhà trường, là cơ sở đào tạo có chất lượng cao, có uy tín hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế.

Các giai đoạn phát triển:

  • Từ 2008 về trước: mang tên Khoa Kinh tế Ngoại Thương với 1 ngành đào tạo Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại.
  • Từ năm 2008, đổi tên thành Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, với 2 ngành đào tạo: ngành Kinh tế và ngành Kinh doanh quốc tế.
  • Đến năm 2018, nâng lên thành Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, mở rộng và phát triển hơn về quy mô, phạm vi hoạt động, tính tự chủ và phân cấp quản lý.
  1. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ giảng viên hiện tại

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế gồm có Ban lãnh đạo Viện gồm Viện trưởng và các Phó Viện trưởng, Hội đồng Viện, Văn phòng Viện, Ban Quản lý đào tạo, Ban Quản lý khoa học và Hợp tác phát triển cùng với 5 bộ môn: Thương mại quốc tế; Kinh doanh quốc tế; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Kinh tế và Quản lý; Marketing và Truyền thông. Với chính sách phát triển đội ngũ giảng viên hiệu quả, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế có đội ngũ giảng viên chất lượng và đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo. Tính tới năm 2019, tổng số lượng giảng viên của Viện là 71, bao gồm 1 Giáo sư, 12 Phó giáo sư, 21 Tiến sĩ và 37 Thạc sĩ.

Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế có đội ngũ giảng viên tâm huyết, có trình độ cao, được đào tạo ở các nước phát triển trên thế giới. Ngoài ra, Viện còn có đội ngũ các giáo sư, chuyên gia đến từ các trường đại học uy tín, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giảng dạy.

Trong những năm qua, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Các thế hệ giảng viên và sinh viên của Viện đã đạt được rất nhiều thành tích trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cũng như nhiều hoạt động khác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Đại học Ngoại Thương. Phát huy truyền thống đó, ngày nay, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế nỗ lực phấn đấu tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần xây dựng Đại học Ngoại Thương trở thành trường đại học hàng đầu trong khu vực.

  1. Ngành đào tạo

Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đang phụ trách chuyên môn các chương trình đào tạo sau:

  • Bậc đại học: 7 chương trình
    • Chương trình Kinh tế đối ngoại (hệ tiêu chuẩn) tuyển sinh từ 1960
    • Chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại, giảng dạy bằng tiếng Anh, tuyển sinh từ 2007
    • Chương trình chất lượng cao Kinh tế đối ngoại giảng dạy bằng tiếng Anh, tuyển sinh từ 2008
    • Chương trình Thương mại quốc tế (hệ tiêu chuẩn) tuyển sinh từ 2008
    • Chương trình Kinh doanh quốc tế (hệ tiêu chuẩn) tuyển sinh từ 2009
    • Chương trình chất lượng cao Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, tuyển sinh từ 2018
    • Chương trình chất lượng cao Kinh doanh quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, tuyển sinh từ 2019
  • Bậc sau đại học: 5 chương trình
    • Chương trình Thạc sĩ Kinh tế quốc tế, tuyển sinh từ năm 1995
    • Chương trình Thạc sĩ Kinh doanh thương mại, tuyển sinh từ năm 2007
    • Chương trình Thạc sĩ Luật và Chính sách thương mại quốc tế, tuyển sinh từ năm 2012
    • Chương trình Thạc sĩ Quản lý kinh tế, tuyển sinh từ 2019
    • Chương trình Tiến sĩ Kinh tế quốc tế, tuyển sinh từ năm 1995
  1. Nghiên cứu khoa học

Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế luôn là một trong những đơn vị chủ lực của Nhà trường về hoạt động nghiên cứu khoa học. Hàng năm, các giảng viên của Viện đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như:

  • Tham gia thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học các cấp: Đề tài khoa học cấp nhà nước, Đề tài Nghị định thư hợp tác với các đối tác nước ngoài, đề tài khoa học cấp Bộ và tương đương, đề tài khoa học cấp cơ sở
  • Hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác nước ngoài theo các chương trình và dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế
  • Tham gia viết bài cho các Hội thảo khoa học, các tạp chí khoa học trong và ngoài nước
  • Phối hợp tích cực với doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước về việc tăng cường gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn…

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học do các giảng viên của Viện tham gia thực hiện đã đạt chất lượng tốt, không chỉ đóng góp vào thành tích nghiên cứu khoa học chung của Nhà trường, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế cũng luôn trong nhóm dẫn đầu của nhà trường. Rất nhiều sinh viên của Viện đạt giải thưởng cao trong cuộc thi về nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

  1. Hợp tác quốc tế

Trong thời gian qua, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã không ngừng củng cố và mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học và đối tác có uy tín ở trong nước và quốc tế như: Mỹ, Nhật, Úc, Châu Âu, các nước Đông Nam Á,… Nhiều trường đại học có uy tín trên thế giới đang là đối tác chiến lược của Viện trong quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học như: Đại học tổng hợp bang Colorado (Hoa Kỳ), Đại học North Eastern (Hoa Kỳ), Đại học Bournemouth (Anh), Đại học Huddersfields (Anh), Đại học tổng hợp Thammasat (Thái Lan),… Các hình thức hợp tác quốc tế cũng ngày càng phong phú và đa dạng như:

  • Hợp tác quốc tế về giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo, đề cương các môn học, trao đổi học liệu;
  • Hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển mạng lưới học tập giữa giảng viên, sinh viên của Viện với các trường đối tác;
  • Hợp tác quốc tế về đào tạo giảng viên về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên sâu;
  • Các hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên trong các chương trình hợp tác…
  1. Hướng nghiệp cho sinh viên

Nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã đưa hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên vào chương trình hoạt động thường niên của Viện dưới nhiều hình thức phong phú như:

  • Các buổi tọa đàm hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm làm việc thực tế từ các cựu sinh viên trong các lĩnh vực khác nhau: xuất nhập khẩu, vận tải giao nhận, logistics, marketing, sở hữu trí tuệ, thương hiệu, thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán…
  • Hoạt động “Doanh nghiệp gặp gỡ sinh viên” kết hợp giữa định hướng nghề nghiệp và cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp có quan tâm;
  • Các buổi tọa đàm về kỹ năng sống và hành trang cần có đối với sinh viên khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương theo chuyên đề, hoặc kết hợp với một Câu lạc bộ sinh viên do khoa bảo trợ;
  • Hội thảo tuyển dụng cho các doanh nghiệp có yêu cầu: tuyển thực tập sinh, tuyển nhân viên, nhận hồ sơ, phỏng vấn tại chỗ,…
  • Hợp tác, trao đổi thông tin về tuyển dụng với các doanh nghiệp, các công ty tuyển dụng và các sàn giao dịch việc làm;
  • Doanh nghiệp và các cơ quan Bộ, ngành, Viện nghiên cứu cùng tham gia tài trợ, đồng hành, hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn thí sinh trong các cuộc thi: Hoa khôi thương trường (Hội sinh viên trường Đại học Ngoại thương), Bản lĩnh Marketer (CLB Marketing), IPChallenge-Đỉnh cao thương hiệu (CLB Sở hữu trí tuệ), The Fresh Connection (CLB Kinh doanh quốc tế), sinh viên năng động (CLB sinh viên nghiên cứu khoa học) và đặc biệt là cuộc thi Khóa luận tốt nghiệp xuất sắc (Best Thesis Award, phối hợp với Hội sinh viên của trường) không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp và chuyên gia qua các vòng chấm thi mà còn hướng tới việc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sẽ gợi ý các đề tài tốt nghiệp cho sinh viên năm cuối nhằm nâng cao tính ứng dụng và giá trị của khóa luận tốt nghiệp hay chuyên đề cuối khóa.
  1. Liên hệ

Điện thoại: 02437750383 (ext: 515)

Địa điểm: Phòng B215- Tầng 2 – Nhà B, số 91 phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội

Website Tiếng Việt: http://ktkdqt.ftu.edu.vn/

Website Tiếng Anh: http://ktkdqt.ftu.edu.vn/en/

Email:

kt****@ft*.vn











Fanpage facebook: https://www.facebook.com/vienktkdqt.ftu/