TỌA ĐÀM “CHUỖI CUNG ỨNG CỦA NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI”

476

Vào ngày 29 tháng 03 năm 2024 vừa qua, tại hội trường B509, Trường Đại học Ngoại thương – Hà Nội, Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Viện KT&KDQT đã tổ chức thành công Tọa đàm  CHUỖI CUNG ỨNG CỦA NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI . Buổi tọa đàm có sự tham gia của 3 diễn giả: Ông Vương Đức Anh – Chánh Văn Phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex); TS. Trần Thị Thu Trang – Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS. TS. Nguyễn Thị Bình – Trưởng Ban Quản lý Khoa học, Viện Kinh tế & kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương.

Về phía trường Đại học Ngoại thương có sự tham gia của: PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trưởng Bộ môn Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng,  TS. Vũ Thị Minh Ngọc – Chánh VP Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế cùng nhiều giảng viên và sinh viên đến từ các Khoa/Viện chuyên môn trong trường. Toạ đàm đã giới thiệu về tình hình chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam và cơ hội, thách thức của chuỗi cung ứng dệt may trong bối cảnh mới.

Mở đầu tọa đàm là phát biểu của PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương – Trưởng Bộ môn Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế. Trong bài phát biểu, PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu vị trí của các doanh nghiệp sản xuất dệt may ở Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh diễn ra nhiều rủi ro về các hiện tượng chính trị, xã hội. 

Buổi tọa đàm chính thức đi vào nội dung chính với bài tham luận của diễn giả Vương Đức Anh – Chánh Văn Phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex). Bài trình bày dã đưa ra thông tin về tổng quan ngành dệt may Việt Nam, so sánh năng lực sản xuất chính giữa các khu vực sản xuất dệt may, từ đó chỉ ra các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, bài trình bày cũng đã nêu lên những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Tiếp nối chương trình, TS. Trần Thị Thu Trang – Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trình bày nội dung bài tham luận về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia mạng sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Bài trình bày đã đưa ra các lý thuyết về Mạng sản xuất toàn cầu trong ngành dệt may, từ đó phân tích thực trạng các doanh nghiệp may mặc Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu. Cuối cùng, kết quả của công trình nghiên cứu đã chỉ ra những giải pháp nhằm tăng khả năng tham gia mạng sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam

Trong bài trình bày cuối cùng, PGS. TS Nguyễn Thị Bình – Trưởng Ban Quản lý Khoa học, Viện Kinh tế & kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương đã khái quát thực trạng và các thách thức mà ngành dệt may đang đối mặt, từ việc thiếu nguyên liệu đầu vào, các yếu tố sản xuất còn yếu (công nghệ dệt nhuộm còn kém; đầu tư còn hạn chế; các hệ thống marketing, xúc tiến thương mại chưa nhận được sự quan tâm phù hợp). Nhận diện được các vấn đề này, tác giả đã đề xuất cụ thể các nhóm giải pháp nhằm tăng cường tính tự cường trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng dệt may có khả năng chống chịu tốt nhất trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên bất định, khó lường.

Bên cạnh các bài tham luận, buổi tọa đàm cũng đã nhận được nhiều câu hỏi đến từ các thầy cô và sinh viên cho các diễn giả. Quá trình thảo luận diễn ra sôi nổi đã góp phần làm rõ thêm nội dung trong các bài trình bày của các diễn giả.

Buổi toạ đàm  CHUỖI CUNG ỨNG CỦA NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các giảng viên và sinh viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã được lắng nghe những chia sẻ vô cùng có giá trị của các diễn giả và khách mời.