Ngày 24/05/2022, Viện Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển Logistics đô thị cho các thành phố lớn của Việt Nam”.
Đây là tọa đàm thuộc khuôn khổ chương trình nghiên cứu: “Nghiên cứu các giải pháp phát triển vận tải xanh trong hoạt động logistics tại Việt Nam”, mã số FTURP02-2020-10, được tổ chức nhằm tạo không gian kết nối sự tham gia và chia sẻ của các chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu, các giảng viên và sinh viên về tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực logistics.
Tọa đàm được diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại phòng hội thảo A901 Trường Đại học Ngoại thương, với sự góp mặt của rất nhiều khách mời, chuyên gia, giảng viên đến từ các trường đại học hàng đầu về đào tạo trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng như Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Giao thông vận tải.
Mở đầu tọa đàm, TS Nguyễn Thị Bình – Giảng viên & Trưởng Ban QLKH và Hợp tác phát triển, Viện KT&KDQT, Trưởng chương trình nghiên cứu, đã tổng kết các nhiệm vụ, sản phẩm đã thực hiện trong năm 2021, nêu bật các thành tựu mà chương trình nghiên cứu đã đạt được và ý nghĩa to lớn của các nghiên cứu trong bối cảnh thương mại và kinh doanh quốc tế hiện đại thay đổi rất nhanh chóng cùng với sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
TS Nguyễn Thị Bình – Giảng viên & Trưởng Ban QLKH và Hợp tác phát triển, Viện KT&KDQT, Trưởng chương trình nghiên cứu, đã tổng kết các nhiệm vụ, sản phẩm đã thực hiện trong năm 2021
PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng, Trưởng bộ môn LSCM Viện KT&KDQT đã trình bày bài tham luận “Phát triển trung tâm Logistics trên thế giới – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Bài tham luận đã phân tích rõ thực trạng phát triển trung tâm Logistics tại một số nước trên thế giới như Hà Lan, Đức, Singapore, Nhật Bản và tổng kết các kinh nghiệm phát triển trung tâm Logistics của các nước này, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống trung tâm Logistics cho Việt Nam.
Tham luận 1: “Phát triển trung tâm Logistics trên thế giới – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” – Diễn giả: PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng, Trưởng bộ môn LSCM Viện KT&KDQT
Tiếp sau bài trình bày của PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, TS. Nguyễn Minh Hiếu – Giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải đã có bài tham luận với chủ đề “Yếu tố tác động tới sự tăng cường mua sắm trực tuyến trong kỷ nguyên COVID-19 – Trường hợp của Hà Nội” (“Factors Affecting the Growth of E-Shopping over the COVID-19 Era in Hanoi, Vietnam”). Nghiên cứu chỉ ra các nhân tố quyết định tới sự thay đổi hành vi mua sắm trực tuyến trong đại dịch COVID-19, như làm việc tại nhà (working from home) dẫn tới gia tăng mua sắm các sản phẩm điện tử, nỗi sợ hãi về bệnh tật đã thúc đẩy tần suất mua sắm trực tuyến đối với thực phẩm và sản phẩm y tế. Đáng chú ý, sự thiếu hụt nguồn cung không phải là yếu tố dẫn tới việc gia tăng mua sắm trực tuyến.
Bài tham luận cũng chỉ ra rằng, cần hỗ trợ, khuyến khích người có thu nhập thấp, người lớn tuổi và phụ nữ tham gia vào mua sắm điện tử để hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch lên cuộc sống của họ. Sự gia tăng mua sắm trực tuyến đặt ra vấn đề về quản lý sự phát triển của các dịch vụ giao hàng trong đô thị, hạn chế sự gia tăng không kiểm soát của xe máy. Mua sắm điện tử là trực tuyến nhưng quá trình giao hàng là trực tiếp, do đó, việc bảo vệ sức khỏe của tài xế giao hàng là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho toàn bộ quá trình mua sắm trực tuyến.
Tham luận 2: “Yếu tố tác động tới sự tăng cường mua sắm trực tuyến trong kỷ nguyên COVID-19 – Trường hợp của Hà Nội” – Diễn giả: TS Nguyễn Minh Hiếu – Giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải
Tiếp nối tọa đàm, TS Trần Thị Thu Hương – Trưởng Bộ môn Logistics Kinh doanh, Trường Đại học Thương mại đã trình bày tham luận về “Kinh nghiệm phát triển logistics đô thị trên thế giới và một số bài học cho Thành phố Hà Nội”. Bài tham luận đã hệ thống hóa lý thuyết chung về logistics đô thị; phân tích kinh nghiệm phát triển logistics đô thị tại một số nước châu Âu và châu Á; từ đó phân tích và đề xuất các giải pháp cho thành phố Hà Nội.
Tham luận 3: “Kinh nghiệm phát triển logistics đô thị trên thế giới và một số bài học cho Thành phố Hà Nội” – TS Trần Thị Thu Hương – Trưởng Bộ môn Logistics Kinh doanh, Trường Đại học Thương mại
Trong bài tham luận “Giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử”, TS Vũ Thị Minh Ngọc – Giảng viên Viện KT&KDQT, Chánh VP Viện KT&KDQT đã cung cấp một số nền tảng lý thuyết về thương mại điện tử và hoạt động giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử; đánh giá thực trạng của hoạt động giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử tại Việt Nam, trong đó tồn tại các vấn đề chính như thời gian giao hàng kéo dài, phương tiện giao hàng chủ yếu là xe máy, chi phí giao hàng chặng cuối lớn; từ đó đề xuất các giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề trên, nhằm tối ưu hóa hoạt động giao hàng chặng cuối.
Tham luận 4: “Giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử” – Diễn giả: TS Vũ Thị Minh Ngọc – Giảng viên Viện KT&KDQT, Chánh VP Viện KT&KDQT
Phần cuối tọa đàm là sự thảo luận, trao đổi giữa các diễn giả và giảng viên, sinh viên về các vấn đề liên quan đến tham luận như: thách thức mà doanh nghiệp logistics Việt Nam đang gặp phải, chi phí logistics Việt Nam vẫn còn ở mức rất cao so với nhiều nước, … Các bạn sinh viên tích cực đặt câu hỏi và được các diễn giả, thầy cô nhiệt tình giải đáp, cung cấp những thông tin, góc nhìn thực tế về các vấn đề logistics mà các bạn đang quan tâm.
Buổi tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp, tất cả các diễn giả, thành viên chương trình nghiên cứu, các thầy cô và sinh viên tham dự tọa đàm chụp hình để lưu lại những khoảnh khắc ý nghĩa của tọa đàm.