Ngày 25 tháng 06 năm 2020, buổi tọa đàm “Tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành logistics Việt Nam” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là tọa đàm nằm trong khuôn khổ chuỗi tọa đàm khoa học do Viện KT&KDQT tổ chức năm 2020, với mục đích mang đến cho sinh viên chuyên ngành logistics nói riêng và SV trường ĐH ngoại thương nói chung góc nhìn toàn cảnh về bức tranh nền kinh tế trong dịch covid 19, đồng thời cũng là hoạt động giúp tăng cường sự hợp tác, kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường.
Với sự tham gia chia sẻ của giảng viên bộ môn Logistics và QLCCU ĐH Ngoại thương cùng hai diễn giả đến từ hai doanh nghiệp Logistics. Buổi tọa đàm nhận được rất nhiều sự quan tâm của các giảng viên cũng như sinh viên trường ĐH Ngoại thương.
Sau đây là nội dung buổi tọa đàm:
- Trưởng bộ môn LSCM PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương phát biểu khai mạc
- TS Nguyễn Thị Bình Viện KTKDQT trình bày tham luận: Ngành dịch vụ logistics của Việt Nam trước biến động của dịch Covid-19
- Ông Hoàng Đình Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty Logistics U&I – Miền Bắc trình bày tham luận: Covid 19 đã tác động tiêu cực/tích cực như thế nào đến DN Sản xuất xuất khẩu, logistics tại Việt Nam?
- Ông Lê Công Minh – Giám đốc Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị, cố vấn đầu tư của Tập đoàn Gimpex trình bày tham luận: Doanh nghiệp đã có những phương án nào để hạn chế ảnh hưởng từ Covid 19
Trưởng bộ môn Logistics và QLCCU PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương phát biểu khai mạc
TS Nguyễn Thị Bình – Giảng viên Viện KTKDQT trình bày tham luận
Bản tham luận Ngành dịch vụ logistics của Việt Nam trước biến động của dịch Covid-19 đã cung cấp những thông tin cập nhật và bổ ích về các nội dung:
- Diễn biến của dịch Covid-19 và một số tác động tới các nền kinh tế trên thế giới
- Một số tác động của dịch Covid-19 đến ngành logistics Việt Nam, điểm sáng của thị trường logistics
- Ứng phó của doanh nghiệp logistics: Xu hướng chuyển đổi số và những yếu tố DN Logistics cần chuẩn bị về công nghệ, tổ chức.
Các em sinh viên ĐH Ngoại thương chăm chú lắng nghe và ghi chép lại bài nói của diễn giả.Ông Hoàng Đình Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty Logistics U&I – Miền Bắc trình bày tham luận.
Trình bày về Covid 19 đã tác động tiêu cực/tích cực như thế nào đến DN Sản xuất xuất khẩu, logistics tại Việt Nam?”, ông Nam cho biết, dịch Covid 19 tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế nói chung, khiến giao thương giảm, nhiều doanh nghiệp điêu đứng trên bờ vực phá sản, hậu quả là nhu cầu về dịch vụ Logistics giảm mạnh, gây khó khăn cho các DN cung cấp dịch vụ Logistics như U&I. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh khác, sự kiện “thiên nga đen” này được coi là một biến cố buộc các DN phải xem lại khả năng quản lý kinh doanh và tài chính của mình, tìm mọi cách để bảo vệ sức khỏe DN.
U&I đã có những động thái phản ứng trước những cơ hội cũng như thách thức mà dịch covid 19 đem lại. Cụ thể: U&I thực hiện chiến thuật “không bỏ hết trứng vào một giỏ”, tức không quá tập trung cung cấp dịch vụ cho 1 khách hàng hay một tệp thị trường, mà cố gắng đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro. Thứ hai, “cash is king” – DN không để cho dòng tiền bị đứt quãng, tránh để tình trạng như nhiều công ty mặc dù có lời nhưng lại nằm trong công nợ của khách hàng nên không được thanh toán ngay. Thứ ba, “dứt khoát áp dụng công nghệ”, DN thực hiện các biện pháp quyết liệt đầu tư, nâng cao hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động logistics.
Ông Lê Công Minh – Giám đốc Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị, cố vấn đầu tư của Tập đoàn Gimpex trình bày tham luận.
Theo ông Lê Công Minh, khác hẳn với nhiều DN trong ngành logistics, với Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị, dịch Covid lại là một “tin vui” khi DN có thể thoải mái mặc cả cước vận chuyển do sự suy giảm của giá dầu, dẫn tới CP Logistics giảm đi đáng kể. Đối với DN sản xuất và vận chuyển đá vôi có chi phí logistics chiếm tới 70% giá trị hàng hóa thì đây thực sự là một tín hiệu tốt.
Trình bày tham luận “Doanh nghiệp đã có những phương án nào để hạn chế ảnh hưởng từ Covid 19”, ông Minh cho biết, lường trước hậu quả của dịch covid, công ty Hữu Nghị đã hỏi tư vấn từ luật sư, trọng tài quốc tế về điều khoản Bất khả kháng trong hợp đồng – một trong những ĐK mà nhiều DN coi là “cho có”, và chính ông Minh cũng chưa từng tìm hiểu qua trong suốt 14 năm làm việc. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Hữu Nghị đã tiết kiệm được một khoản tiền cực lớn vì không phải đền bù phát sinh 32 000 USD dôi nhật do dịch bệnh gây ra.
Bên cạnh đó, Hữu Nghị luôn chú trọng bảo vệ sức khỏe tài chính, ngày ngày tìm cách “tán tỉnh” các DN đối tác ở Trung Quốc cho gia hạn LC, điều chỉnh LC, hoặc linh hoạt hủy đơn để có thể bán giảm giá cho khách hàng mới, bảo đảm khoản lỗ thấp nhất cho DN.
Phần Q&A giao lưu giữa diễn giả với giảng viên và sinh viên.
Phần cuối buổi tọa đàm là sự trao đổi giữa các diễn giả và giảng viên, sinh viên về một số vấn đề: thách thức DN gặp phải khi đón nhận làn sóng đầu tư, chuyển đổi số trong DN, cơ hội thực tập trong DN logistics cho SV năm 2 và vấn đề chi phí logistics Việt Nam vẫn còn được đánh giá là cao so với nhiều nước. Các bạn SV tích cực đặt câu hỏi cho DN, hai đại diện DN cũng rất nhiệt tình trả lời, đồng thời còn cung cấp những thông tin vô cùng bổ ích, giúp các bạn SV xác định được lộ trình học tập, rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có thể kiếm được công việc tốt trong ngành dù chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Các SV trường ĐH Ngoại thương đặt câu hỏi cho diễn giả
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh – Giảng viên Viện KT&KDQT, ĐH Ngoại thương
PGS. TS. Vũ Sĩ Tuấn – Giảng viên Viện KT&KDQT, ĐH Ngoại thương