Tọa đàm Quản lý kinh tế trong kỷ nguyên mới: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và mô hình nhà nước kiến tạo phát triển

26

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm “Quản lý kinh tế trong kỷ nguyên mới: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và mô hình nhà nước kiến tạo phát triển”

Ngày 03/01/2025, Bộ môn Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Quản lý kinh tế trong kỷ nguyên mới: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và mô hình nhà nước kiến tạo phát triển”. Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các chuyên gia kinh tế, giảng viên, nghiên cứu sinh, và sinh viên của nhà trường.

Tọa đàm có sự tham gia của hai diễn giả chính là GS.TS. Soo Hee Lee, giảng viên Trường Đại học Kent, Vương quốc Anh, và PGS.TS Lê Xuân Bá, thành viên Hội Khoa học Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương. Cùng với đó, tọa đàm còn vinh dự đón tiếp nhiều khách mời như PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Thị Vi, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Lê Hồng Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ; TS. Bùi Xuân Chung, Trưởng Bộ môn Tài chính, Học viện Phụ nữ; TS. Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Học viện Phụ nữ; và TS. Phạm Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Về phía Trường Đại học Ngoại thương, buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; TS. Nguyễn Thị Việt Hoa, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế; PGS. TS Trần Thị Ngọc Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo; TS. Đỗ Ngọc Kiên, Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự góp mặt của các giảng viên và sinh viên trường Đại học Ngoại thương.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS Đào Ngọc Tiến đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ đề “Quản lý kinh tế trong kỷ nguyên mới: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và mô hình nhà nước kiến tạo phát triển”. Trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo ngày càng sâu rộng, tăng trưởng kinh tế không chỉ là mục tiêu trọng tâm mà còn là thước đo sự phát triển bền vững của quốc gia. PGS.TS Đào Ngọc Tiến khẳng định, Việt Nam cần có những chính sách đột phá để vượt qua các thách thức, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội mà kỷ nguyên số mang lại.

PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Trong bài tham luận đầu tiên, GS.TS Soo Hee Lee đã trình bày về chủ đề “Chuyển đổi số và tương lai việc làm: Cơ hội, thách thức và định hướng cho Việt Nam”. GS Lee đặc biệt nhấn mạnh vào những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình chuyển đổi số, nguy cơ thất nghiệp do tự động hóa và khoảng cách số ngày càng gia tăng, bên cạnh những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại cho sản xuất và phát triển kinh tế. GS cho rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ và đào tạo nhân lực, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến công nghệ và dữ liệu, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai.

GS.TS. Soo Hee Lee trình bày tham luận tại Tọa đàm

Tiếp nối, PGS. TS Lê Xuân Bá đã mang đến bài tham luận với chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.” Trong bài phát biểu, PGS nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế chỉ có ý nghĩa thực sự khi đi kèm với việc tạo ra các giá trị bền vững. PGS cũng chỉ ra những “nút thắt cổ chai” trong thể chế và lao động kỹ năng thấp đang cản trở sự phát triển của Việt Nam. Theo đó, để đạt được tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần cải cách thể chế mạnh mẽ, kết hợp với việc tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 PGS. TS Lê Xuân Bá trình bày tham luận tại Tọa đàm

Kết thúc phần trình bày, hai diễn giả chính cùng PGS. TS Đào Ngọc Tiến và PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo đã tham gia vào một cuộc thảo luận bàn tròn sôi nổi với sự tham gia của các đại biểu và khách mời. Các ý kiến đóng góp đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề quan trọng trong quản lý kinh tế, từ việc xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng bao trùm đến phát triển mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

Phát biểu bế mạc, TS. Hoàng Hương Giang, thay mặt Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các diễn giả, khách mời và toàn thể đại biểu tham dự, khẳng định rằng buổi tọa đàm không chỉ mang lại nhiều kiến thức giá trị mà còn mở ra những vấn đề mới cùng những cơ hội hợp tác nghiên cứu và thực hiện các giải pháp kinh tế sáng tạo trong tương lai.

Một số hình ảnh thảo luận, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học: