Ngày 26/03/2024, Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học ngoại thương đã tổ chức buổi tọa đàm về kinh nghiệm xây dựng và triển khai hệ thống KPI trong môi trường đại học. Đây là tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài NCKH cấp cơ sở “Xây dựng và triển khai đề án KPI tại Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế” mã số NVCS2023-01 do PGS TS Bùi Thị Lý làm chủ nhiệm đề tài. Tham dự tọa đàm có sự tham dự của PGS TS Đào Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội, TS Lê Thị Việt Nga – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Thương mại và TS Đinh Thị Thanh Long – Phó Trưởng Bộ môn Thương mại quốc tế, Khoa Kinh doanh Quốc tế, Học viện Ngân hàng.
Về phía nhà trường, buổi tọa đàm có sự tham dự của PGS TS Vũ Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng, PGS TS Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, PGS TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng phòng Tổ chức-Nhân sự, PGS TS Vũ Hoàng Nam – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, PGS TS Nguyễn Phúc Hiền – Giám đốc trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, và TS Vũ Kim Ngân – Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính cùng đại diện nhiều đơn vị trong trường và các giảng viên thuộc Viện KTKDQT. Buổi tọa đàm gồm 02 phần: Trình bày tham luận và Phát biểu, trao đổi, thảo luận của đại biểu tham dự.
Trong bài phát biểu khai mạc, PGS TS Bùi Thị Lý nhấn mạnh bộ chỉ số Hiệu suất cốt lõi (KPI) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quản lý, phát triển, gắn liền chặt chẽ với chiến lược phát triển của Trường Đại học Ngoại thương KPI không chỉ giúp đo lường hiệu quả hoạt động mà còn tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và quản trị theo hướng minh bạch, khoa học.
Trong phần một, PGS TS Đào Thanh Bình, Hiệu phó Trường Kinh tế – Đại học Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai hệ thống KPI tại đơn vị mình. KPI không chỉ giúp đánh giá hiệu quả làm việc của giảng viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong quản lý tài chính, phân bổ nguồn lực hợp lý và tối ưu hóa quy trình làm việc. Hệ thống này được xây dựng dựa trên ba trụ cột: Quy chế quản lý tài chính, quy chế công tác cán bộ và quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong đánh giá. Việc áp dụng KPI không chỉ giới hạn ở việc đánh giá giảng viên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mức thu nhập của họ. Các yếu tố như số giờ giảng dạy, các công trình công bố trong nghiên cứu khoa học và giờ phục vụ đều được quy đổi cụ thể thành các chỉ số KPI, từ đó xác định mức lương tăng thêm. Trên thực tế, việc triển khai KPI tại đơn vị được dựa trên giao kết giữa từng cá nhân giảng viên với đơn vị quản lý, quá trình này được triển khai một cách bài bản, minh bạch ngay từ đầu năm học.
Bài tham luận thứ hai đến từ TS Lê Thị Việt Nga, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Thương mại. TS. Lê Thị Việt Nga đã chia sẻ một số cơ hội, thách thức trong việc áp dụng KPI vào thực tiễn tại đơn vị. KPI là một bộ chỉ số giúp cho các đơn vị chuyên môn và giảng viên xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm học một cách rõ ràng và thống nhất. Trải qua hai năm triển khai bộ chỉ số này, có thể nhìn thấy được nhiều điểm tích cực từ kết quả hoạt động liên quan đến giảng dạy, NCKH và hoạt động cộng đồng của đội ngũ giảng viên trong nhà trường. Tuy nhiên, bà cũng đề cập tới đã chỉ ra một số thách thức trong việc áp dụng KPI vào thực tiễn. Một trong những vấn đề nổi bật là áp lực từ các chỉ tiêu KPI có thể ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài ra, sự khác biệt giữa các ngành đào tạo khiến việc đánh giá KPI đôi khi chưa phản ánh chính xác hiệu suất làm việc của giảng viên.
Sau phần trình bày của hai diễn giả, buổi tọa đàm bước vào phiên thảo luận sôi nổi với nhiều câu hỏi và ý kiến từ các giảng viên và cán bộ quản lý. Các ý kiến đóng góp từ người tham dự đều nhấn mạnh rằng KPI là một công cụ quan trọng nhưng cần được điều chỉnh linh hoạt theo đặc thù của từng trường và từng lĩnh vực. Một số đề xuất được đưa ra như xây dựng hệ thống KPI phân tầng, khuyến khích nghiên cứu thực chất và đảm bảo tính minh bạch trong quy trình đánh giá.
Trong bài phát biểu bế mạc, PGS TS Bùi Thị Lý cho rằng tọa đàm đã mang lại nhiều góc nhìn quan trọng về việc triển khai KPI trong giáo dục đại học. Việc áp dụng KPI giúp nâng cao hiệu suất làm việc, minh bạch hóa quy trình đánh giá và khuyến khích giảng viên nghiên cứu, giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên, để KPI thực sự phát huy hiệu quả, các trường đại học cần thường xuyên điều chỉnh, cập nhật hệ thống đánh giá phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, việc tổ chức các buổi thảo luận, truyền thông nội bộ về bộ chỉ số KPI cũng là một trong những giải pháp giúp giảng viên hiểu rõ hơn về hệ thống này và xây dựng lộ trình phát triển cá nhân một cách phù hợp và tối ưu