KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CUỘC THI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VIỆN KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ NĂM HỌC 2024 – 2025

69

Căn cứ Quyết định 3666/QĐ-ĐHNT ngày 25/10/2023 về việc ban hành Thể lệ Cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học của Trường Đại học Ngoại thương, Thông báo số 283/TB-ĐHNT ngày 18/9/2024 về Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Ngoại thương năm 2025, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế xin thông báo tới các giảng viên và sinh viên Kế hoạch tổ chức Vòng sơ khảo Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025 của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế như sau:

  1. Mục đích của cuộc thi:
  • Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo;
  • Phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu độc lập, làm việc nhóm, khả năng tự phát triển bản thân của sinh viên;
  • Gắn kết và hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương ;
  • Tuyển chọn những công trình định hướng nghiên cứu cơ bản, có chất lượng tốt, có sản phẩm khoa học uy tín;
  • Tuyển chọn những công trình định hướng nghiên cứu ứng dụng để giải quyết những vấn đề thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
  1. Các quy định của cuộc thi

2.1 Đối tượng tham dự cuộc thi:

Đối tượng tham gia Cuộc thi SV NCKH là sinh viên đang theo học ở cơ sở giáo dục đại học tính đến thời điểm nộp công trình tham gia cuộc thi. Sinh viên tham gia cuộc thi dưới hình thức cá nhân hoặc nhóm (tối đa 5 sinh viên). Mỗi nhóm sinh viên tham gia cuộc thi cần bầu ra một Trưởng nhóm, là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương và chịu trách nhiệm chính về nội dung công trình, các thủ tục, hồ sơ và nhận các loại thù lao, kinh phí liên quan đến cuộc thi. Khi tham gia cuộc thi, mỗi sinh viên có thể tham gia thực hiện tối đa 03 công trình.

2.2 Giáo viên hướng dẫn:

Mỗi công trình tham gia cuộc thi có không quá 02 người hướng dẫn, trong đó có 01 người là hướng dẫn chính là giảng viên của Trường Đại học Ngoại thương, trình độ từ Thạc sĩ trở lên và có chuyên môn phù hợp với chủ đề của công trình. Người hướng dẫn thứ hai là giảng viên hoặc cá nhân có chuyên môn phù hợp với chủ đề của công trình.

2.3 Công trình dự thi:

– Các lĩnh vực khoa học và phân loại các công trình dự thi:

Các lĩnh vực khoa học của các công trình tham gia cuộc thi thuộc các lĩnh vực theo quy định tại Thông tư số 45/2020/TT-BGDĐT ngày 11/11/2020 ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho Giảng viên trẻ và Sinh viên trong cơ sở Giáo dục đại học và phù hợp với các chương trình đào tạo của Trường ĐHNT.

Các công trình tham gia cuộc thi được phân thành các công trình định hướng nghiên cứu cơ bản và định hướng nghiên cứu ứng dụng.

Công trình định hướng nghiên cứu cơ bản là công trình có hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

Công trình định hướng nghiên cứu ứng dụng là công trình có hoạt động nghiên cứu và vận dụng kết quả NCKH nhằm tạo ra chính sách, mô hình phương thức, công cụ quản lý mới phục vụ kinh tế phát triển xã hội.

Các công trình thực hiện theo đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ kinh phí triển khai nghiên cứu theo thỏa thuận giữa các tổ chức, doanh nghiệp và Nhà trường.

Sinh viên có thể đăng ký công trình tham gia cuộc thi theo một trong hai định hướng nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu ứng dụng. Trong quá trình thực hiện công trình, nếu nhận thấy lựa chọn không phù hợp, sinh viên có thể đề nghị điều chỉnh định hướng nghiên cứu.

Hình thức trình bày báo cáo tổng kết:

  • Báo cáo tổng kết có thể được viết bằng một trong các ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Nga.
  • Trong trường hợp Ban tổ chức yêu cầu, báo cáo cần phải có bản dịch ra tiếng Việt khi nộp tham gia cuộc thi cấp Bộ;
  • Báo cáo phải được đánh máy và in một mặt trên khổ giấy A4 (210 x 297 mm), Microsoft Word, Font chữ Times New Roman cỡ chữ 13; dãn dòng đặt ở chế độ 1,3 – 1,5 line; lề trái 3 cm; lề trên, lề dưới, lề phải 2 cm, số thứ tự của trang in ở chính giữa trang, phía trên;
  • Báo cáo không dài quá 80 trang (không kể mục lục, tài liệu tham khảo và phụ lục);
  • Tài liệu tham khảo và phụ lục (nếu có): tối đa là 40 trang;
  • Ngoài ra báo cáo có thể có thêm trang tóm tắt nội dung;
  • Các trang tóm tắt nội dung, danh mục từ viết tắt, danh mục bảng biểu, mục lục được đánh số thứ tự riêng và được đặt trước Lời nói đầu;
  • Các phần, chương, mục, tiểu mục… phải được phân định rõ và đánh số thứ tự một cách thống nhất. Các công thức cần viết rõ ràng và nên dùng các ký hiệu thông dụng. Các ký hiệu hoặc chữ viết tắt không thông dụng phải được chú giải rõ ràng;
  • Các hình vẽ, bảng biểu, hình ảnh, sơ đồ minh họa cần đánh số thứ tự, có tên rõ ràng, kèm theo chú thích và nguồn trích dẫn;
  • Trích dẫn nguồn và Tài liệu tham khảo được trình bày theo kiểu APA6;
  • Không gạch dưới các câu trong báo cáo hoặc trình bày chữ viết một cách đặc biệt;
  • Không viết lời cảm ơn, không ký tên, không nêu tên tác giả và người hướng dẫn trong báo cáo;
  • Không để lại các ký hiệu khác có thể xác định được thông tin của tác giả, nhóm tác giả;
  • Trang bìa được đóng và ghi các thông tin theo mẫu (xem Phụ lục 1 trong Thể lệ Cuộc thi SV NCKH của Trường Đại học Ngoại thương năm 2023);
  • Yêu cầu đóng bìa mềm màu xanh, bìa ngoài mica;
  • Mỗi báo cáo bắt buộc đính kèm 02 trang bìa phụ để rời, không đóng vào báo cáo, ghi đầy đủ các thông tin theo mẫu (xem Phụ lục 2 và 3 trong Thể lệ Cuộc thi SV NCKH của Trường Đại học Ngoại thương năm 2023).
  1. Kế hoạch tổ chức cuộc thi

Giai đoạn 1: Đăng ký tên đề tài, thành viên tham gia và giáo viên hướng dẫn (nếu có)

Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 27/09/2024 đến 15/11/2024: Các nhóm sinh viên đăng ký đề tài NCKH dự thi qua đường link: https://bom.so/XHvmCP.

Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 15/11/2024 đến 29/11/2024: Ban tổ chức thông qua tên đề tài, danh sách sinh viên thực hiện và giảng viên hướng dẫn.

Thời gian thực hiện dự kiến ngày 29/11/2024: Các nhóm sinh viên nhận đề tài và giảng viên hướng dẫn.

Giai đoạn 2: Nộp báo cáo tổng kết công trình tham dự cuộc thi

Thời gian thực hiện dự kiến ngày 25/03/2025: Các nhóm sinh viên tham gia cuộc thi nộp kết quả nghiên cứu bao gồm báo cáo tổng kết (được trình bày theo đúng quy định trong Thể lệ Cuộc thi SVNCKH của Trường Đại học Ngoại thương năm 2023), các xác nhận kết quả nghiên cứu, các sản phẩm kèm theo nếu có (bài tạp chí, bài kỷ yếu…).

– Giai đoạn 3: Chấm phản biện các công trình tham dự

Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 26/3/2025 đến 10/4/2025: Viện tổ chức đánh giá công trình NCKH và các sản phẩm đi kèm (theo Thể lệ Cuộc thi SVNCKH của Trường Đại học Ngoại thương tại Quyết định 3666/QĐ-ĐHNT ngày 25/10/2023).

– Giai đoạn 4: Công bố kết quả Vòng sơ khảo Cuộc thi SVNCKH (tổ chức cấp Viện)

Thời gian thực hiện dự kiến ngày 12/4/2025: Công bố kết quả đánh giá công trình NCKH của Vòng sơ khảo.

– Giai đoạn 5: Nộp công trình tham gia Cuộc thi SV NCKH cấp Trường Đại học Ngoại thương về P. QLKH

Thời gian thực hiện: chậm nhất 18/04/2025

Mọi thông tin cần liên hệ về Cuộc thi SVNCKH 2024 – 2025 của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế người phụ trách SVNCKH, Họ và tên: Nguyễn Thị Vân; Số điện thoại: 0903799993; Email:

ba************@ft*.vn











.

Các văn bản, biểu mẫu về Cuộc thi Sinh viên NCKH năm học 2024 – 2025