DẪN NHẬP TƯ DUY KHÁI NIỆM TRONG NGHIÊN CỨU: BUỔI CHIA SẺ CHUYÊN SÂU CÙNG NHÀ TƯ VẤN GIÁO DỤC LANG MINH VÀ TS. ĐỖ NGỌC KIÊN TRONG KHUÔN KHỔ HỌC PHẦN NGHIÊN CỨU VÀ PHÂN TÍCH KINH TẾ, CHƯƠNG TRÌNH THS QUẢN LÝ KINH TẾ

90

Ngày 25/11/2024, tại Trường Đại học Ngoại thương, buổi chia sẻ chuyên đề “Tư duy khái niệm trong nghiên cứu” trong khuôn khổ học phần Nghiên cứu và phân tích kinh tế, Chương trình Ths Quản lý kinh tế đã diễn ra thành công với sự tham gia của TS. Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế – cùng diễn giả chính, nhà tư vấn giáo dục cao cấp Lang Minh. Sự kiện không chỉ thu hút đông đảo học viên cao học lớp QLKT6A mà còn mang lại những giá trị thiết thực, giúp các học viên củng cố và nâng cao năng lực tư duy, phản biện trong nghiên cứu học thuật.

Mở đầu chương trình, TS. Đỗ Ngọc Kiên đã chia sẻ những suy nghĩ tâm huyết về tầm quan trọng của tư duy khái niệm trong việc giải quyết các vấn đề nghiên cứu và phân tích học thuật. Phát biểu của thầy bày tỏ hy vọng buổi chia sẻ sẽ truyền tải đến các học viên những kiến thức bổ ích, thiết thực về tư duy khái niệm trong nghiên cứu.

Nhà tư vấn giáo dục Lang Minh, tác giả của cuốn sách Phản biện như một chuyên gia: Lập luận sắc bén và tư duy hiệu quả, đã dẫn dắt học viên đi sâu vào cách áp dụng tư duy khái niệm thông qua những tình huống thực tiễn. Với lối trình bày gần gũi nhưng đầy sức thuyết phục, diễn giả đã lựa chọn hai case study tiêu biểu: vấn đề đánh thuế giá trị gia tăng đối với nước ngọt và bất bình đẳng trong giáo dục (IELTS).

Qua từng tình huống, diễn giả Lang Minh không chỉ giải thích chi tiết cách phân tích các yếu tố cốt lõi mà còn giúp học viên hiểu rõ vai trò nền tảng của tư duy khái niệm. Chẳng hạn, trong chủ đề đánh thuế nước ngọt, diễn giả hướng dẫn cách xác định rõ các khái niệm như “sức khỏe cộng đồng” hay  “nước ngọt” để có được góc nhìn toàn diện trước khi đi phân tích vấn đề và đưa ra giải pháp. Tương tự, diễn giả đề cập đến việc một số trường đại học sử dụng chứng chỉ IELTS làm tiêu chí tuyển sinh, điều này có thể gây ra sự bất bình đẳng về cơ hội, đặc biệt là với các thí sinh ở những khu vực địa lý khó khăn hoặc thiếu điều kiện tiếp cận với các trung tâm đào tạo chất lượng. Diễn giả cho rằng, trước khi bắt tay vào phân tích vấn đề này, cần hiểu rõ khái niệm “bất bình đẳng trong giáo dục” – một thuật ngữ liên quan đến sự chênh lệch trong quyền tiếp cận, cơ hội học tập và chất lượng giáo dục giữa các nhóm đối tượng khác nhau.Bằng cách làm rõ khái niệm, diễn giả dẫn dắt học viên vào việc đặt câu hỏi: “Bất bình đẳng trong giáo dục ở đây là gì, nó biểu hiện qua những yếu tố nào, và hệ quả của nó đối với xã hội ra sao?” Phương pháp tiếp cận này không chỉ giúp học viên hiểu bản chất của vấn đề mà còn rèn luyện cách tư duy có cấu trúc, từ đó đưa ra các lập luận sắc bén và những giải pháp thực tiễn.

Không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt lý thuyết, diễn giả còn tổ chức các hoạt động thực hành tương tác và thảo luận nhóm. Học viên được đặt mình vào vai trò của một nhà nghiên cứu, trình bày quan điểm cá nhân trước những tình huống phức tạp và rèn luyện khả năng lập luận chặt chẽ. Những hoạt động này không chỉ củng cố kiến thức mà còn giúp học viên áp dụng hiệu quả kỹ năng tư duy vào các vấn đề thực tiễn.

Phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi khi nhiều học viên quan tâm đến cách cân bằng giữa tư duy khái niệm và tính ứng dụng thực tế trong nghiên cứu. Diễn giả Lang Minh đã tận tình chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, bao gồm cả quá trình viết sách và tham gia các dự án học thuật lớn. Ông nhấn mạnh rằng tư duy khái niệm không chỉ là một công cụ học thuật mạnh mẽ mà còn là chìa khóa quan trọng giúp chúng ta giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Kết thúc chương trình, TS. Đỗ Ngọc Kiên đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến diễn giả Lang Minh vì những chia sẻ ý nghĩa và thực tế. Thầy bày tỏ niềm hy vọng rằng các học viên sẽ tiếp tục phát triển tư duy khái niệm và áp dụng chúng hiệu quả trong công việc nghiên cứu cũng như cuộc sống.

Buổi chia sẻ không chỉ truyền cảm hứng mạnh mẽ mà còn để lại những bài học quý giá, góp phần nâng cao năng lực tư duy phản biện và phân tích cho các học viên cao học. Sự kiện là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của Trường Đại học Ngoại thương trong việc xây dựng môi trường học thuật chất lượng cao, nơi các học viên được kết nối với những chuyên gia hàng đầu để không ngừng vươn xa trên hành trình học tập và nghiên cứu.