CHIA SẺ CÙNG CHUYÊN GIA VỀ CHỦ ĐỀ “ĐẨY MẠNH KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO Ở VIỆT NAM: TIẾP CẬN PHÂN TÍCH CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO QUẢN LÝ KINH TẾ”

301

Ngày 30/5/2024 vừa qua, TS. Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế – Trường Đại học Ngoại thương, với sự đồng hành của TS. Đặng Quang Vinh – Chuyên gia cao cấp Khu vực tư nhân – Ngân hàng thế giới, đã tổ chức thành công buổi chia sẻ cùng chuyên gia về chủ đề: “Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: Tiếp cận phân tích của Ngân hàng thế giới và khuyến nghị cho quản lý kinh tế”. Buổi chia sẻ đã cung cấp cho sinh viên những đánh giá về hiệu quả và thách thức trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho chính sách Quản lý kinh tế của Việt Nam. 

Mở đầu buổi chia sẻ là lời phát biểu của TS. Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý Trường Đại học Ngoại thương, Thư ký nhóm chuyên gia cố vấn, và TS. Nguyễn Thị Việt Hoa – Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế bày tỏ hy vọng buổi chia sẻ sẽ truyền tải đến các sinh viên những kiến thức bổ ích, thiết thực về đổi mới sáng tạo và vai trò quản lý kinh tế của nhà nước. 

TS. Đặng Quang Vinh, người đã nhận bằng PhD tại Brunel University, London về Kinh tế và Tài chính, chia sẻ với sinh viên về những khía cạnh chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và đầu năm 2024. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù tăng trưởng thu nhập của Việt Nam đang tiến đến mức trung bình cao, quốc gia vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như năng suất lao động tăng trưởng nhưng thiếu sự đổi mới, thị trường vốn rủi ro, và các quy định hạn chế sự đổi mới sáng tạo. TS. Đặng Quang Vinh cũng chỉ ra rằng các tổ chức nghiên cứu và đại học ở Việt Nam chưa thực sự đóng góp vào việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp như ở các quốc gia tiên tiến khác.

Ở phần tiếp theo, TS. Đặng Quang Vinh đã giới thiệu tới các bạn sinh viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế về những hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khuyến nghị chính sách quản lý kinh tế tại Việt Nam. Bằng việc sử dụng khung nghiên cứu kết hợp cung cầu, khung hỗ trợ, từ đó đề xuất chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Về hoạt động đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất, trong đó “sự sáng tạo phá hủy” là tiền đề cho ra đời những sự cách tân mới mẻ của doanh nghiệp, giúp đơn vị hoạt động một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khảo sát của World Bank, áp dụng công nghệ của nước ta còn xa đường biên – những nước có mức độ công nghệ tiên tiến nhất. Đồng thời các trường đại học và tổ chức nghiên cứu chưa đóng góp hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp các công ty mới, hoạt động spinout/spinoff bị hạn chế, khả năng hấp thụ công nghệ quốc tế thấp. TS. Đặng Quang Vinh cũng đã đề xuất các khuyến nghị chính để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cùng với đó, diễn giả và thầy/cô đã có phần trao đổi, thảo luận vô cùng sôi nổi với các bạn sinh viên tham dự. Sinh viên cũng đã được đặt câu hỏi và giải đáp thắc mắc những vấn đề xoay quanh đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kỹ năng phân tích chính sách quản lý kinh tế.

Cuối cùng, xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất vì những nỗ lực gắn kết, kết nối sinh viên với chuyên gia của Thầy/Cô đến từ Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương cũng như sự tin tưởng, đóng góp tích cực cho thế hệ trẻ tương lai đến từ TS. Đặng Quang Vinh.