Ngày 28/02/2023 vừa qua, trong khuôn khổ học phần Logistics và vận tải quốc tế, tập thể lớp TMA305(GD1-HK2-2223).2 đã vinh dự được chào đón chị Phạm Thị Ngân – Trưởng phòng Logistics, chịu trách nhiệm cho hoạt động logistics khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Piaggio Việt Nam, đồng thời là cựu sinh viên K40 của Trường Đại học Ngoại thương – chia sẻ về một số kinh nghiệm thực tế trong nghề.
Phát biểu mở đầu buổi chia sẻ, PGS. TS Trần Sĩ Lâm – giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế – nhấn mạnh rằng: đây là hoạt động thiết thực và bổ ích giúp các bạn sinh viên trau dồi kiến thức từ thực tiễn, đồng thời góp phần định hướng, nâng cao cơ hội nghề nghiệp trong ngành đối với các bạn sinh viên của lớp.
Buổi chia sẻ gồm 3 phần:
- Các phần chính cần quan tâm của Hợp đồng thuê tàu chuyến
- Định vị bản thân trong công việc và học tập
- Kỹ năng giao tiếp và tạo sức ảnh hưởng
Bắt đầu buổi chia sẻ, chị Phạm Thu Ngân đã chỉ ra cho các bạn sinh viên về những xu hướng về ngành Logistics nói chung và vận chuyển đường biển nói riêng tại Việt Nam. Đặc biệt trong đó phải kể tới là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI đang được tích hợp dần vào từng khâu trong quá trình logistics toàn cầu.
Bàn sâu hơn về vận tải đường biển, chị Ngân đã một lần nữa khái quát những phần cốt lõi của một hợp đồng thuê tàu chuyến mà bất kỳ người làm logistics nào cũng cần nắm vững. Với kinh nghiệm 16 năm trong nghề, chị đã đưa ra cho các bạn sinh viên nhiều cái nhìn sâu sắc bằng những dẫn chứng thực tế từ chính Piaggio Việt Nam trong quá trình thực hiện giao hàng trên đường biển. Nhờ có đó, những kiến thức vốn khô cứng đã trở nên gần gũi và cuốn hút hơn bao giờ hết, từ đó có thể thấy rằng, chỉ một sai lầm nhỏ trên thương trường có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn về doanh thu cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Sau hơn 1 tiếng chia sẻ về những vấn đề cần lưu ý trong hợp đồng thuê tàu cùng những ví dụ thực tiễn mà chị Ngân đã chứng kiến, buổi nói chuyện đã đến với phần mà các bạn sinh viên mong đợi nhất đó là chia sẻ về chủ đề định vị và phát triển bản thân ở nhà trường và trong công việc. Chị khuyến khích các bạn sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy cố gắng rèn luyện và trau dồi các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, đàm phán. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên nên kết hợp giữa học và hành, nghĩa là không chỉ học từ trong sách vở mà còn nên học từ thực tiễn bằng việc tổ chức các buổi tham quan thực tế cảng biển để hiểu được cách vận hành của nó, để hình dung và liên kết với những kiến thức mình được học trên trường. Sự kết hợp ấy sẽ giúp cho việc học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Chia sẻ về định hướng nghề nghiệp tương lai, chị Ngân khuyên các bạn sinh viên nên bắt đầu xác định những gì mà mình thích ngay từ bây giờ để xây dựng lộ trình học tập và phát triển phù hợp. Con đường sự nghiệp trong ngành logistics đối với một sinh viên mới ra trường thường sẽ bắt đầu từ học việc đến nhân viên có kinh nghiệm, rồi lên chuyên viên cao cấp và cao nhất là quản lý, chị Ngân chia sẻ. Điều quan trọng là bản thân sinh viên phải luôn cố gắng học hỏi, kiên trì với định hướng và mọi thứ đều cần thời gian. Nhân tiện, chị Ngân cũng giới thiệu về chương trình thực tập sinh tài năng đang mở đơn của tập đoàn Piaggio Việt Nam – nơi chị Ngân đang làm việc – để kết nối và tạo cơ hội cho các bạn sinh viên có mong muốn theo đuổi ngành logistics.
Trong buổi chia sẻ, các bạn sinh viên cũng đã hăng say đặt câu hỏi cho chị Ngân về nghề nghiệp trong lĩnh vực logistics cũng như quan điểm của nhà tuyển dụng đối với sinh viên. Với vai trò quản lý nhiều năm, chị Ngân đã đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn về việc lựa chọn công việc cũng như cân bằng với cuộc sống để chúng ta luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với những gì mình làm.
Cuối buổi chia sẻ, chị Ngân gửi lời cảm ơn đến PGS.TS Trần Sĩ Lâm đã kết nối chị để chị có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực logistics tới các bạn sinh viên. Chị gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến thầy, đến cả lớp, đến Nhà trường và hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những buổi chia sẻ hữu ích khác tới sinh viên. Cả lớp cũng gửi tặng chị một món quà nhỏ vì đã dành thời gian cho lớp, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với thầy Lâm và chị Ngân đã giúp cho môn học Logistics và vận tải quốc tế trở nên thật thú vị và hữu ích.
Đây cũng chính là những nỗ lực đưa thực tiễn vào bài giảng, kết nối doanh nghiệp với sinh viên mà các thầy cô của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế nói riêng và các khoa, bộ môn trong trường Đại học Ngoại thương nói chung đã và đang cố gắng thực hiện để tạo môi trường và cơ hội học tập tốt nhất cho sinh viên của mình.