TỌA ĐÀM KHOA HỌC: “SÓNG THẦN CÔNG NGHỆ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC MỚI TRONG QUẢN LÝ ”

276

Ngày 31/5/2024, tại phòng Hội thảo Quốc tế Liên Việt, Bộ môn Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công buổi Tọa đàm “Sóng thần công nghệ và những thách thức mới trong quản lý”. Buổi tọa đàm nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong trường.

Buổi Tọa đàm có sự góp mặt của 3 diễn giả khách mời: TS. Vũ Hoàng Linh – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Nguyễn Hoàng Hưng – Trường phòng Công nghệ, Trung tâm Viettel AI và TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc.

Về phía khách mời tham dự ngoài trường, Tọa đàm có sự tham gia của TS. Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Kinh tế phát triển, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; Ông Giáp Hoàng Long, CEO Liberal Technology; TS. Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong; Ông Trần Mạnh Cường, CEO Khai Minh Book; TS. Đỗ Tiến Long, CEO Công ty Tư vấn Quản lý OD CLICK; Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Chuyên gia Công nghiệp, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Phạm Đăng Hồng Sơn, Giám đốc vận hành Công ty Techainer; TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển DEPOCEN; Ông Lê Hồng Sơn, Ban điều hành MH Solution; TS. Bùi Hải Thiêm, Chuyên gia Chính sách công và Khoa học Chính trị, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, và nhiều vị khách mời khác.

Về phía các đơn vị, phòng ban trong Trường, Tọa đàm có sự tham gia của PGS. TS. Nguyễn Thị Tường Anh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, TS. Thân Thị Hạnh, Trưởng Khoa Khoa học Chính trị và Nhân văn, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, PGS. TS. Trần Thị Ngọc Quyên, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, TS. Vũ Kim Ngân, Co-Chairholder, Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương, TS. Vũ Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Feretco, PGS. TS. Nguyễn Thị Thùy Vinh, Trưởng Ban Xây dựng và Phát triển Chương trình, Phòng QLĐT, TS. Nguyễn Mai Phương, Trưởng Bộ môn Khoa học Nhân văn và Hành vi, ThS. Ngô Quý Nhâm, Phụ trách Bộ môn Quản trị Nguồn nhân lực

Đại diện phía Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế có TS. Nguyễn Thị Việt Hoa – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, TS. Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý, cùng các giảng viên và sinh viên của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Việt Hoa nhấn mạnh rằng sự phát triển bùng nổ của “sóng thần công nghệ” đang định hình một đời sống kinh tế – xã hội hoàn toàn mới. Theo TS. Hoa, nội dung buổi Tọa đàm rất “nóng hổi” và thu hút nhiều sự quan tâm từ các vị khách mời, các thầy cô và sinh viên. TS. Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý – trong bài tham luận mang tính đề dẫn đã nhấn mạnh những thay đổi căn bản mà cơn “sóng thần công nghệ” đưa tới trong bối cảnh kinh tế số và xã hội số đang phát triển mạnh mẽ. Từ đây, TS. Kiên nêu bật vai trò của dữ liệu và trí tuệ AI – với tư cách là “phần mềm” của công nghệ và vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn với tư cách là “phần cứng” của công nghệ là hai nội dung then chốt như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã nhấn mạnh tại Chương trình Thách thức Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024.  Vì những lẽ đó, TS. Kiên cho biết buổi tọa đàm hôm nay tập trung vào hai khía cạnh quan trọng của công nghệ, cũng là ưu tiên trong chính sách của chính phủ là Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn.

Tiếp theo bài tham luận đề dẫn của TS. Đỗ Ngọc Kiên là bài tham luận của TS. Vũ Hoàng Linh “Làn sóng công nghệ mới: Công nghệ, quyền lực và khả năng kiểm soát” dựa trên nội dung cuốn sách Sóng thần công nghệ của Mustafa Suleiman mới ra mắt. TS. Vũ Hoàng Linh là chuyên gia kinh tế phát triển, một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, dịch giả của nhiều đầu sách nổi tiếng đòi hỏi kiến thức liên ngành phong phú: Cuộc đào thoát vĩ đại, Quảng trường và Tòa tháp, Sự giàu và nghèo của các dân tộc, Đồng tiền lên ngôi, Ứng xử với Trung Quốc, Chính sách tiền tệ thế kỷ 21, và mới đây nhất là cuốn sách Sóng thần công nghệ: Trí tuệ và Quyền lực lớn nhất thế kỷ 21. 

Trong bài phát biểu của mình TS. Linh đã khẳng định rằng kiềm tỏa công nghệ đòi hỏi các biện pháp kỹ thuật, văn hóa, pháp lý và chính trị để đảm bảo công nghệ phát triển theo hướng có lợi. Bài tham luận của TS. Vũ Hoàng Linh là nền tảng để Tọa đàm đi sâu hơn vào hai lĩnh vực cụ thể là AI và công nghiệp bán dẫn do Ông Nguyễn Hoàng Hưng và TS. Phạm Sỹ Thành trình bày.

Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Hoàng Hưng, phụ trách công nghệ của Viettel AI đã chia sẻ về các thách thức trong kỷ nguyên thông tin tại bài tham luận tiếp theo “Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo: Các thách thức trong kỷ nguyên thông tin“. Ông nhấn mạnh rằng quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu là mối quan tâm hàng đầu, khi việc sở hữu và bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên cấp thiết. Deepfakes và thông tin sai lệch ngày càng phổ biến, đòi hỏi khả năng phân biệt thông tin thật và giả. Ông cũng nêu bật nguy cơ mất việc làm do tự động hóa và khoảng cách số ngày càng lớn. Cuối cùng, ông khẳng định sự cần thiết của các quy định và đạo đức rõ ràng trong phát triển AI để đảm bảo an toàn và trách nhiệm.

TS. Phạm Sỹ Thành trong bài tham luận “Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu” đã nhấn mạnh về sự quan trọng của cuộc đua giành ưu thế trong ngành bán dẫn. Ngành bán dẫn đang mở ra cơ hội mới với sự nâng cấp ngành, sự xuất hiện của làn sóng chip mới và sự thay đổi trong chuỗi cung ứng, đang chiếm vị trí thứ hai về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển toàn cầu, chiếm 14,8% tổng doanh thu. Không chỉ có Mỹ và EU, mà cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đóng vai trò quan trọng trong ngành này. Tuy nhiên, ngành này cũng đối mặt với nhiều thách thức như sự dư thừa công suất và giảm lợi thế so sánh, căng thẳng địa chính trị và cuộc đua tài trợ, vấn đề về nguồn nhân lực và an ninh công nghệ.

Sau khi kết thúc nội dung tham luận, ba vị diễn giả khách mời cùng TS. Đỗ Ngọc Kiên đã tham gia vào một cuộc thảo luận bàn tròn sôi nổi để làm rõ các thách thức mới mà làn sóng công nghệ mới đưa tới. Kết thúc buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Việt Hoa đã đại diện Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế gửi lời cảm ơn đến các vị chuyên gia, khách mời, các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên đã đồng hành và đóng góp vào thành công của buổi tọa đàm.