Mở đầu buổi chia sẻ, chị Ngân đã chỉ rõ cho các bạn sinh viên định nghĩa về đàm phán và phân loại đàm phán trong kinh doanh. Bàn bạc sâu hơn, chị Ngân đã khái quát những kỹ năng cốt lõi cơ bản vô cùng quan trọng như: luôn bám sát mục tiêu ban đầu, không để cảm xúc chi phối, không vội vàng kết thúc đàm phán… và các vấn đề cần chuẩn bị để đạt được một cuộc đàm phán “win – win” mà bất kỳ bên nào trong đàm phán cũng cần nắm vững. Cuối cùng trong nội dung bài chia sẻ đó chính là ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá đến đàm phán. Với kinh nghiệm 16 năm trong nghề, chị đã đưa ra cho các bạn sinh viên nhiều cái nhìn sâu sắc bằng những dẫn chứng thực tế từ chính Piaggio Việt Nam trong quá trình đàm phán với các bên đối tác. Nhờ vậy, những kiến thức tưởng chừng rất khô khan đã trở nên gần gũi và cuốn hút hơn bao giờ hết, từ đó có thể thấy rằng, chỉ một sai lầm nhỏ trên thương trường có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn về doanh thu cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Chị Phạm Thu Ngân chia sẻ về những vấn đề cần lưu ý về đàm phán và yếu tố văn hóa trong đàm phán
Sau khi chia sẻ về những vấn đề cần lưu ý về đàm phán và văn hóa trong đàm phán cùng những ví dụ thực tiễn mà chị Ngân đã tích lũy, buổi chia sẻ có lẽ là phần mà các bạn sinh viên mong đợi nhất đó là chủ đề định vị, phát triển bản thân ở trường học và trong công việc. Chị khuyến khích các bạn sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy cố gắng rèn luyện và trau dồi các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, đàm phán. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên nên kết hợp giữa học và hành, nghĩa là không chỉ học từ trong sách vở mà còn nên học từ thực tiễn để hình dung và liên kết với những kiến thức mình được học trên trường. Sự kết hợp ấy sẽ giúp cho việc học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, chị còn giới thiệu và phân tích sơ qua cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” (Stephen R.Covey) để định hướng cho sinh viên các thói quen hiệu quả cần rèn luyện. Chị Ngân cũng giới thiệu về chương trình thực tập sinh tài năng của tập đoàn Piaggio Việt Nam – nơi chị Ngân đang làm việc – để kết nối và tạo cơ hội cho các bạn sinh viên.
Trong buổi chia sẻ, các bạn sinh viên cũng rất hăng hái đặt câu hỏi cho chị Ngân về cách xử lý các trường hợp bất ngờ khi đàm phán và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực logistics cũng như quan điểm của nhà tuyển dụng đối với sinh viên. Với vai trò quản lý nhiều năm, chị Ngân đã đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn về việc lựa chọn công việc cũng như cân bằng với cuộc sống để chúng ta luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với những gì mình làm. Tất cả đã phần nào định hướng đi cho các bạn sinh viên trên những con đường sự nghiệp riêng của mỗi người.
Sinh viên hăng hái đặt câu hỏi thảo luận
Kết thúc buổi chia sẻ, chị Ngân gửi lời cảm ơn đến các thầy cô của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, đến Nhà trường vì đã kết nối chị với sinh viên để chị có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình tới các bạn sinh viên, góp phần ươm mầm cho các thế hệ FTU và hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những buổi chia sẻ hữu ích khác tới. Cả lớp cũng gửi tặng chị một bó hoa tươi thắm như món quà nhỏ về tinh thần vì đã dành thời gian cho lớp, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với ThS Lý Nguyên Ngọc, ThS Trần Bích Ngọc – 2 giảng viên bộ môn Văn hóa trong KDQT và chị Phạm Thu Ngân đã giúp cho môn học Văn hóa trong KDQT trở nên thật thú vị, hữu ích và thực tế.
Đây cũng chính là những nỗ lực đưa thực tiễn vào bài giảng, kết nối doanh nghiệp với sinh viên mà các thầy cô của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế nói riêng và các khoa, bộ môn trong trường Đại học Ngoại thương nói chung đã và đang cố gắng thực hiện để tạo môi trường và cơ hội học tập tốt nhất cho sinh viên của mình. Một lần nữa, xin cảm ơn chị Phạm Thu Ngân đã dành thời gian quý báu để chia sẻ cùng các bạn sinh viên và mong rằng các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để được gặp và nghe chia sẻ từ chị trong tương lai gần.