Vào ngày 16 tháng 03 năm 2023 vừa qua, tại hội trường B508, Trường Đại học Ngoại thương – Hà Nội, Bộ môn Marketing & Truyền thông – Viện KT&KDQT đã tổ chức thành công Tọa đàm “CHIA SẺ KINH NGHIỆM NGHIÊN CỨU, CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC MARKETING”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của 2 diễn giả: PGS, TS. Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Bộ môn Marketing & Truyền thông và ThS. Đỗ Trung Kiên – Giảng viên ĐH Phenikaa. Ngoài ra, Tọa đàm cũng có sự tham dự của các thầy cô thuộc Bộ môn Marketing & Truyền thông cũng như các bạn sinh viên K61 chuyên ngành Marketing số. Toạ đàm đã giới thiệu các phương pháp nghiên cứu phổ biến hiện nay và những kinh nghiệm khi công bố nghiên cứu quốc tế. Ngoài ra, tọa đàm còn là dịp để sinh viên chuyên ngành Marketing Số của trường Đại học Ngoại Thương được tìm hiểu và gắn kết thực tiễn vào môn học Nghiên cứu marketing.
Mở đầu tọa đàm là phát biểu của PGS, TS. Nguyễn Thanh Bình Bình về việc nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ cần thiết cho giảng viên viên của bộ môn cũng như các bạn sinh viên chuyên ngành Marketing Số. Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS, TS. Nguyễn Thanh Bình cũng chia sẻ về các loại hình nghiên cứu được sử dụng trong marketing, nhằm giúp cho các GV trong Bộ môn cũng như các bạn SV K61 chuyên ngành Marketing số có được những kiến thức cơ bản và ứng dụng liên quan tới nghiên cứu marketing.
Tại tọa đàm cũng có sự tham dự của ThS. Đỗ Trung Kiên – Giảng viên ĐH Phenikaa. Anh đã lần lượt chia sẻ những khó khăn khi thực hiện nghiên cứu và một số lỗi làm bài báo bị từ chối bởi các tạp chí lớn. Theo ThS. Đỗ Trung Kiên, các lỗi có thể tránh bao gồm: bài báo không thích hợp với tạp chí, bài báo thiếu tính mới, bài báo gặp vấn đề về phương pháp nghiên cứu, vấn đề về trình bày dữ liệu và vấn đề trong cách trình bày tiếng anh (đối với nghiên cứu khoa học quốc tế). Thêm vào đó, diễn giả cũng chia sẻ nguyên tắc – FINER: Feasible (khả thi), Interesting (thú vị), Novelty (tính mới), Ethics (đạo đức nghiên cứu), Relevant (liên quan) đã được anh theo đuổi trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu và xuất bản. Để xây dựng nền tảng tốt cho việc nghiên cứu, diễn giả đưa ra lời khuyên nên có kiến thức chuyên môn, kiến thức về phương pháp nghiên cứu, khả năng sử dụng công cụ thống kê, xử lý dữ liệu. Với người mới bắt đầu, cần tránh tâm lý đi tắt, đón đầu, tâm lý outsource, và cần phải học hỏi và thực hành đồng thời.
ThS. Đỗ Trung Kiên cũng chỉ ra những tiêu chí mà các tạp chí lớn tìm kiếm. Các tiêu chí bao gồm: ý tưởng big idea, dữ liệu lớn, đa dữ liệu, phương pháp mới và đa phương pháp. Trong phần cuối của tọa đàm, diễn giả đã dành thời gian chia sẻ cho các giảng viên bộ môn và sinh viên về phương pháp nghiên cứu kiểm định.
Buổi toạ đàm “CHIA SẺ KINH NGHIỆM NGHIÊN CỨU, CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC MARKETING” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các giảng viên bộ môn và sinh viên chuyên ngành Marketing Số đã được lắng nghe những chia sẻ vô cùng có giá trị về nghiên cứu và công bố quốc tế.